“ 2. Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức tuyên truyền bằng miệng, bằng bản viết, in, hoặc dưới hình thức nghệ thuật, thông qua bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào tuỳ theo sự lựa chọn của họ.
3. Việc thực hiện những quyền quy định tại khoản 2 điều này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó, việc này có thể phải chịu một số hạn chế nhất định, tuy nhiên, những hạn chế này phải được quy định trong pháp luật và là cần thiết để:
a) Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác,
b) Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức của xã hội."
(Điều 19. Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, LHQ biểu quyết năm 1966, VN ký và tham gia ngày 24/9/1982).
Biết được sự thiệt tuy khó, nhưng còn khả dĩ; nói rõ được sự thiệt hầu như bất khả !"... ĐÃ XA RỒI CÁI THỜI MÀ AI NÓI RA ĐIỀU GÌ CŨNG SỢ BỊ PHÊ PHÁN MẤT LẬP TRƯỜNG, CẢ XÃ HỘI BỊ ÉP SỐNG TRONG CÁI VỎ ĐẠO ĐỨC GIẢ, TỪ TRÊN XUỐNG DƯỚI, NÓI THÌ RẤT HAY, NHƯNG LÀM THÌ NGƯỢC LẠI..." (GS Hoàng Tụy)
Suy gẫm hôm nay: "VẪN BIẾT SỐNG LÀ HƯỚNG ĐẾN TƯƠNG LAI, NHƯNG QUÁ KHỨ LÀ TẤM GƯƠNG NÊN SOI LẠI!"

Chủ Nhật, 21 tháng 11, 2010

DƯ ÂM NGÀY 20-11

    Người xưa "Tôn sư trọng đạo"

     Ngày nay, chúng ta có "Ngày nhà giáo Việt Nam",  như là ngày lễ hội  và là ngày "tôn sư trọng đạo", nhằm mục đích tôn vinh những người hoạt động trong ngành giáo dục, để các học sinh, đặc biệt là cha mẹ học sinh, đến tặng hoa và biếu quà cho các thầy, cô giáo.
    
     Thời chúng tôi còn cắp sách đến trường, không có ngày này mà chỉ có "mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy". Người khác thì sao không biết chứ riêng tôi thì chưa bao giờ tôi tặng hoa hay tặng quà gì cho thầy, cô giáo cả, ngoài việc chúc tết thầy. Tôi chưa bao giờ được thầy, cô giáo dạy "phụ đạo" hoặc cho "học thêm", "học kèm", nhưng vẫn nhận được kết quả "học lực: giỏi", "hạnh kiểm: tốt". Trong lòng tôi, hình ảnh người thầy, cô giáo lúc nào cũng đáng kính và không bao giờ, cho dù là một thoáng chốc, có ý nghĩ tiêu cực về thầy, cô giáo của mình. Chúng tôi vẫn khắc sâu tinh thần "tôn sư trọng đạo"!
     
      Xa hơn nữa về trước, tuy dưới chế độ phong kiến, thực dân, nhưng tinh thần "tôn sư trọng đạo" đó cũng được thượng tôn và vẫn còn ghi dấu mà tôi được thấy và biết rất cụ thể ở chính trong gia đình mình. Đặc biệt là học sinh còn đến tặng quà cho thầy sau khi thầy đã mất ngót 30 năm! Tôi xin được ghi lại ở đây:
      
       1./ Trường hợp thứ nhất: Ông cố (tằng tổ) của tôi là một thầy đồ dạy chữ Hớn, có thời gian dạy học khoảng 4, 5 năm, vì ông mất sớm (mới gần 40 tuổi, sau 3 keo thi rớt tú tài Hán học) nên thời gian dạy học không nhiều. Tuy vậy, hơn 30 năm sau khi ông mất, một số môn sinh (khi đã đứng tuổi, có danh phận và sự nghiệp) còn đến tặng một món quà, đó là 1 câu đối khảm xà cừ. Ấn tượng hơn nữa, một vài người con của học trò ông còn đến dự và cúng lạy người thầy của cha mình, nhân ngày giỗ ông hằng năm mà  ngày còn bé tôi đã từng chứng kiến.
     
       2./ Trường hợp thứ hai: Ông cố của tôi có một người anh trai cũng là một thầy đồ dạy chữ Hớn, nhưng ông có thời gian dạy học lâu hơn (khoảng 15 năm). Sau khi ông mất các học trò của ông đã tặng ông  (chính xác là tặng cho con cháu ông) một món quà, còn đặc biệt hơn, là mấy khoảnh ruộng (diện tích khoảng 5.000 m2) để con cháu lấy hoa lợi mà hương khói và cúng giỗ cho thầy. Những khoảnh ruộng này tục gọi là "ruộng đồng môn".

     Tiếc thay, sau ngày 30/4/1975, Nhà nước ta đã đưa những khoảnh "ruộng đồng môn" này vào Hợp tác xã nông nghiệp. Chắc chắn rồi mai đây, chỉ cần dăm ba năm nữa thôi, khi  lối mươi người còn lại ở lứa tuổi U80 ở xóm Trung Hòa Đông, làng Trinh Tường quê tôi đã ra người thiên cổ thì không còn ai biết được những khoảnh "ruộng đồng môn" này cũng như tinh thần "Tôn Sư Trọng Đạo" đã từng được trân trọng và thượng tôn cụ thể và sâu sắc như thế nào!

 Hình ảnh và nội dung của "món quà"
của môn sinh ông cố tôi tặng thầy sau khi ông mất trên 30 năm.

Đứa cháu "huyền tôn" trước bàn thờ, cạnh câu đối
của các môn sinh "tặng" thầy sau khi thầy mất trên 30 năm.


 Hình ảnh và nội dung câu đối.
Câu đối này được viết theo lối "thảo" nếu viết "chân":
山 斗 髙 懸 顒 懿 笵
箕 裘 永 裕 慰 潜 靈
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện (Viện Hán Nôm) đã phiên âm và dịch nghĩa như sau:
"Gửi bác Bửu Châu:
Đôi câu đối trong ảnh mà Bác nhờ đọc giùm, xin đọc như sau:
SƠN ĐẨU CAO HUYỀN NGUNG Ý PHẠM
CƠ CẦU VĨNH DỤ ỦY TIỀM LINH

Nghĩa:
Như Thái Sơn, Bắc Đẩu treo gương ngưỡng vọng khuôn phép
Ấy nghiệp nhà tốt đẹp truyền mãi an ủi linh hồn tiền nhân.

Sơn = Thái Sơn;  Đẩu = Bắc Đẩu (tên sao);  Cơ, cầu: Cái nong (nia), cái áo cầu (áo lông cừu). Kinh Lễ có câu: Cung gia chi tử tất học vi cơ. Dã gia chi tử tất học vi cầu = con nhà thợ làm cung, tất phải học cách uốn của người làm nong nia. Con nhà thợ đúc, ắt phải học cách lắp ghép của người làm áo cừu (chắp các mảnh lông cừu lại để may áo). Ý câu này nói con cháu nối theo nghiệp nhà."

Các vị ở Viện Việt học (INSTITUTE OF VIETNAMESE STUDIES - USA) cũng đã nhận xét, phiên âm và dịch nghĩa như sau:
-Trần Ngọc Đông: "Chà câu đối được khảm trai, chữ viết đẹp quá! Câu đối viết thảo nên tôi cũng không biết hết, nhờ bác Khúc Thần dịch giúp với. Mấy chữ nhỏ góc trên là Bảo Đại thập lục niên Tân Tị đông (1941)."
-Khúc Thần:
Phiên âm: Sơn Đẩu cao huyền ngung ý phạm.
             Cơ cừu vĩnh dụ ủy tiềm linh.
Dịch nghĩa: Sơn Đẩu (Thái Sơn, Bắc Đẩu) treo cao, ngưỡng mộ đức độ cao cả tốt đẹp
                 Sự nghiệp (để lại) mãi dồi dào, an ủi vong hồn người quá cố

Tùy Bác sắp xếp lại cho đối xứng. Khôg biết có vị nào có ý kiến gì thêm cho được chỉnh hơn. Xin cám ơn trước. 
-Lãng khách: Bác Trần Ngọc Châu kính, Lãng cũng là người bập bẹ học chữ Hán, nhưng cũng thử góp chút ý kiến xem, biết đâu lại...may mắn đúng:
Tán tụng phong thái (như) núi lớn (Sơn đẩu hình như không nên đề cập tới Thái Sơn và Bắc Đẩu, mà chỉ xem như là 1 sự vật)
Yên ủi vong linh (xưa đã) nối được nghiệp lớn muôn đời 

UPDATE: Ngày 08/01/2013, ngày giỗ kỵ Ông, có sự tham dự của người con một học trò của Ông:
Bác Đỗ Bá Khải (bên trái), cựu giáo viên trường Trung cấp Tài chính Trung ương 3, con của một người học trò của Ông; cùng người cháu nội của Ông (bên phải) tại ngày giỗ Ông (27 tháng 11 năm Nhâm Thìn - 08/01/2013).

 P/s: - Các Web Blog có đăng bài này: ở đây và ở đây.
        - Bài có liên quan ở blog này: ở đây và ở đây.     

8 nhận xét:

  1. cần gìn giữ mãi những điều tốt đẹp và thiêng liêng!Thành thật và gương mẫu là 2 phầm chất quý nhất của sự giáo dục.(ý kiển riêng).

    Trả lờiXóa
  2. Ước gì cái "ý kiến riêng" của truong vinh loc thành "ý kiền chung" hay ít ra là "ý kiến riêng" của các nhà lãnh đạo và quản lý giáo dục!

    Trả lờiXóa
  3. Thưa bác Bửu Châu: e rằng với lối giáo dục như hiện nay thì những minh họa trong bài viết này sẽ chỉ còn trong tiềm thức của người xưa mất. Giáo dục 10 năm trở lại đây đã càng ngày chưa làm tròn chức năng của nó. Âu cũng là định nghiệp chăng?

    Trả lờiXóa
  4. Chào Cuchuoi, đã "lạc bước" tới đây!
    Có lẽ phải đến n lần 10 năm chớ Cuchuoi!

    Trả lờiXóa
  5. Dạ vâng, có lẽ bác nói đúng. Chúng cháu thế hệ 8X nên mới chỉ cảm nhận được như vậy. Thực ra những bài viết kiểu như thế này cháu đọc mà cứ cảm thấy nó lờ lợ, nhàn nhạt sao ấy. Chiếc áo lông cừu sơ xác và mặc khó ấm thì người ta tìm cách chải chuốt lại chăng?

    Trả lờiXóa
  6. Tương truyền Lão Tử có nói:
    "Làm thầy thuốc sai lầm có thể hại một mạng người.
    Làm thầy địa lý sai lầm có thể hại một dòng họ.
    Làm chính trị sai lầm có thể hại một dân tộc.
    Làm văn hóa sai lầm có thể hại muôn đời."

    Chúng ta có thể thêm vào:
    "Làm giáo dục sai lầm chắc chắn sẽ hại nhiều thế hệ."

    "Ngôn bất tận ý". Cuchuoi suy ngẫm thêm vậy!

    Trả lờiXóa
  7. Truyền thống "Tôn sư trọng đạo" rất đáng trân trọng, cảm ơn bài chia sẻ, rất hay.

    Trả lờiXóa

Dùng mã code dưới đây để chèn nguồn từ bên ngoài vào comment:

Link : <a href="Link URL">CLICK HERE </a>
Hình ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
Youtube clip : [youtube]Link video từ yotube[/youtube]