“ 2. Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức tuyên truyền bằng miệng, bằng bản viết, in, hoặc dưới hình thức nghệ thuật, thông qua bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào tuỳ theo sự lựa chọn của họ.
3. Việc thực hiện những quyền quy định tại khoản 2 điều này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó, việc này có thể phải chịu một số hạn chế nhất định, tuy nhiên, những hạn chế này phải được quy định trong pháp luật và là cần thiết để:
a) Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác,
b) Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức của xã hội."
(Điều 19. Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, LHQ biểu quyết năm 1966, VN ký và tham gia ngày 24/9/1982).
Biết được sự thiệt tuy khó, nhưng còn khả dĩ; nói rõ được sự thiệt hầu như bất khả !"... ĐÃ XA RỒI CÁI THỜI MÀ AI NÓI RA ĐIỀU GÌ CŨNG SỢ BỊ PHÊ PHÁN MẤT LẬP TRƯỜNG, CẢ XÃ HỘI BỊ ÉP SỐNG TRONG CÁI VỎ ĐẠO ĐỨC GIẢ, TỪ TRÊN XUỐNG DƯỚI, NÓI THÌ RẤT HAY, NHƯNG LÀM THÌ NGƯỢC LẠI..." (GS Hoàng Tụy)
Suy gẫm hôm nay: "VẪN BIẾT SỐNG LÀ HƯỚNG ĐẾN TƯƠNG LAI, NHƯNG QUÁ KHỨ LÀ TẤM GƯƠNG NÊN SOI LẠI!"

Thứ Sáu, 31 tháng 12, 2010

Người hay quỷ đây?

 5 vụ bạo hành trẻ em kinh hoàng nhất năm 2010
(LĐO) – Bảo mẫu, cô giáo, thậm chí ngay cả cha mẹ đẻ cũng “ra đòn” không thương tiếc đối với con em mình. Năm 2010, dư luận đã bàng hoàng khi chứng kiến quá nhiều vụ bạo hành trẻ em y như thời trung cổ. Laodong.com.vn xin điểm lại 5 vụ bạo hành kinh hoàng nhất.

Thứ Tư, 29 tháng 12, 2010

Cơm và phở !!!

Nếu xét về "thành phần cấu tạo" thì cơm và phở rất giống nhau, đều được làm chủ yếu từ... gạo tẻ.
Phở có thịt có hành thì cơm có cũng có, đã vậy cơm còn hay hơn vì không bao giờ bị trộn... hàn the. Cơm cũng rẻ hơn và.... no lâu hơn.
Dân gian gọi vợ là cơm, bồ là phở. Nếu xét theo khoa học thì cách gọi đó chẳng xúc phạm ai cả vì hai "món" này đều có giá trị độc lập, chả cái nào cao hơn cái nào.
Nhưng rõ ràng phở luôn luôn tượng trưng cho sự bay bướm, ưu thế của phở so với cơm là quá rõ ràng trong chuyện tình ái, mặc dù nhiều lúc "phở" xấu hoặc già hơn "cơm".
Một số lý do hài hước sau đây, góp phần giải thích việc đàn ông thích phở nhưng vẫn không bỏ được cơm:
Ðàn ông thèm "phở" vì ít được ăn phở. Muốn ăn phở, nhất là phở đặc biệt, thì phải có tiền, có xe, trong khi cơm ngày nào cũng được ăn và phải ăn.
Ðàn ông dùng cơm ở nhà trong không khí quen thuộc, ấm áp đến nhàm chán, còn dùng phở ở xa nhà, trang trí lạ mắt, đôi khi đẹp mắt và có cả âm nhạc.
No thì rất khó ăn thêm cơm. Còn phở, no tới mấy cũng có thể làm thêm một tô.
Ăn phở xong có thể đứng dậy, đi ngang hoặc ngồi, nằm một chút. Còn ăn cơm xong có nhiều cơ hội phải thu dọn và rửa bát đĩa.
"Phở" không quán nào giống quán nào, thậm chí là không tô nào giống tô nào.
Cơm thì có khi bao nhiêu năm vẫn thế, chỉ có nguội hơn mà thôi.
"Phở" có thể ăn chung với bạn bè. "Cơm" thì rất ít, phần lớn là ăn chung với... bà nấu cơm.
Lúc ăn phở, có thể dễ dàng yêu cầu thêm tí hành, tí bánh hoặc thêm tí ớt cho mặn nồng.
Cơm có gì trên mâm hãy xơi nấy, yêu sách lôi thôi còn bị mắng hoặc bị gắt gỏng "không ăn thì thôi!".
Phở tuy cùng một chỗ nhưng có thể ăn tái, chín, nạm, gân.. tùy thực khách quyết định, cơm thì do bà nấu cơm quyết định.
Nếu ăn phở nhiều tới mức độ trở thành khách quen, khách có thể ăn... nợ. Còn nếu không đưa tiền lương, "cơm" sẽ dừng ngay.
Bỏ tiệm "phở" này, có thể dễ dàng tìm tiệm khác. Còn bỏ "cơm" thì phức tạp vô cùng.
Một lý do nữa là "phở" nhiều Nước, còn "Cơm" thì Khô queo.

Lãnh đạo và sự tỉnh ngộ lúc "về vườn"

  (Bài của tác giả: Trần Huy Thuận, nguyên bản tại http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2010-12-22-lanh-dao-va-su-tinh-ngo-luc-ve-vuon-  Xuất bản: 25/12/2010 04:00 GMT+7) 

Loài người đôi khi thua các loại động vật khác ở đức hy sinh vì cuộc sống cộng đồng. Không ít người cứ leo lên vị trí lãnh đạo là chỉ muốn hưởng thụ hơn người, quyền lực hơn người.

Thứ Ba, 28 tháng 12, 2010

BÊN CẦU

Nhánh rong phiêu giạt bên cầu
Vời trông con nước về đâu cuối trời
Hỏi mây
Mây nép lưng đồi
Hỏi người
Người ngẩn ngơ soi bóng mình.
                     TRƯỜNG NGHỊ

Thứ Bảy, 25 tháng 12, 2010

Công bố những tư liệu lịch sử cần phải theo một lộ trình thích hợp...

"Lịch sử là phải đúng sự thật, trung thực và chính xác, tuy nhiên việc công bố những tư liệu lịch sử cần phải theo một lộ trình thích hợp..." (Phát biểu tại buổi tiếp các thành viên BCH Hội Khoa học lịch sử Việt Nam của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết - Trích bản tin thời sự trên VTV )
"Hội phải tiếp tục làm tốt vai trò tư vấn, phản biện trong những vấn đề liên quan đến lịch sử, phải tiếp cận sự thật lịch sử, có định hướng dư luận để mỗi người dân có thể nhận thức rõ hơn từng vấn đề được nêu ra" (Trích bản tin trên báo Văn hóa )

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đánh giá cao gần 4000 hội viên Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cũng các nhà nghiên cứu lịch sử trong cả nước vì đã có những đóng góp cực kỳ quan trọng, có tác dụng to lớn và hết sức có ý nghĩa góp phần làm cho mỗi người Việt Nam tự hào về lịch sử, truyền thống của dân tộc và đã tiếp thêm sức mạnh có ý nghĩa sống còn cho cả dân tộc Việt Nam.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, nhờ những công trình nghiên cứu về 4000 năm lịch sử của đất nước, đã bồi đắp và tiếp thêm sức mạnh cho mỗi tâm hồn Việt Nam và đã hun chí cho con người Việt Nam vượt qua bao thử thách để quyết tâm xây dựng một đất nước hùng cường. Chính những công trình nghiên cứu lịch sử cũng đã chứng minh dân tộc Việt Nam là một dân tộc có bản lĩnh, có ý chí và một dân tộc hội đủ chí thông minh, bản lĩnh, ý chí và lòng tự hào dân tộc thì làm bất cứ việc gì cũng thành công.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết bày tỏ mong muốn, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam sẽ tiếp tục những nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu những di sản, lịch sử còn ẩn chứa trong tâm hồn, nguồn cội của dân tộc Việt Nam để quảng bá, giới thiệu cho các thế hệ tiếp theo, nếu việc này bị xem nhẹ là sẽ tạo ra nguy cơ đối với sự tồn vong của dân tộc. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng hoan nghênh nỗ lực của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam trong việc tiếp cận với sự thật lịch sự, đồng thời khẳng định, đã là lịch sử thì phải đúng sự thật, trung thực và chính xác. Đối với những vấn đề trước đây công bố chưa chính xác thì khi đã có đủ tư liệu, cần có bước đi thích hợp để đính chính lại lịch sử.

Nhân dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng ủng hộ Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam xây dựng quỹ để tài trợ cho các hoạt động của mình, đồng thời đề nghị Hội làm thủ tục cần thiết để Chủ tịch nước có thể trao tặng Huân chương cho Hội.
Tác giả : Trung Kiên


VH- Tại buổi tiếp đoàn Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam do GS.NGND Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội dẫn đầu, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh:
Những đóng góp của các nhà sử học là vô giá, có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Các nhà khoa học lịch sử Việt Nam phải tự hào về những đóng góp đối với đất nước, dân tộc. Cùng với đó, Hội phải tiếp tục làm tốt vai trò tư vấn, phản biện trong những vấn đề liên quan đến lịch sử, phải tiếp cận sự thật lịch sử, có định hướng dư luận để mỗi người dân có thể nhận thức rõ hơn từng vấn đề được nêu ra, bởi khoa học lịch sử là phải chính xác, trung thực.                       
THANH LÂM
Ảnh chụp mà hình trên vtv.vn và báo Văn hóa

 

Nhắn gửi bạn bè "tayson12ab"

 (Trích Email của Trần Ngọc Luyện)
Chào các bạn,
Luyện có công việc hơn 10 ngày ko post bài lên blog, sợ các bạn chê lười nhưng thật ra là về Quy Nhơn. Ở Quy Nhơn trong những ngày mưa lụt (23 tháng 10 AL, ông tha mà bà ko tha, hihi). Luyện có gặp bạn bè tayson12ab uống cafe sáng ở chổ cổng sân bay, nhậu với anh em đôi ba lần thật vui (ko dám uống nhiều dù chơi tẹt ga, hihi), có đàm đạo với Trần ngọc Châu với "nỗi buồn nhân thế". Một số bạn đề nghị tết này họp mặt vào ngày mùng 9 tết Tân Mão. Luyện chưa thông báo tin này trên taysonquynhon's Blog, chỉ mới email đến anh em xin ý kiến vậy thôi. Rất mong tin các bạn.
......
Mùa Giáng Sinh và năm mới 2011 lại tới nữa rồi, sao nhanh quá! Chúc các bạn đón một mùa Giáng Sinh ấm áp, tràn đầy tình yêu thương và một năm mới an khang, thịnh vượng. Love
P/s: L có upload hình mới chụp cùng các bạn ở panel Ảnh tayson12ab trên taysonquynhon's Blog.
Trần Ngọc Luyện

Nguyên Chủ tịch Quốc hội khuyến nghị đổi mới hệ thống chính trị

 Bản đăng trên Tuần Việt Nam không biết vì sự cố gì, đã bị mất mà không có thông báo, chỉ còn một cái title trên VietNamNet:

 Nhưng tôi còn giữ được bản sao lưu:

Thứ Ba, 21 tháng 12, 2010

Ngày "hiệp kỵ" nhà Tây Sơn.

Ngày hôm qua, rằm tháng 11 âm lịch năm Giáp Dần (nhằm ngày 20/12/2010), tại Đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt đã tổ chức lễ hiệp kỵ (ngày giỗ hiệp, giỗ chung - như là giỗ tổng hợp) cho nhà Tây Sơn.
Số là sáng hôm qua, mình có việc cần gặp người bạn vong niên của mình, vốn là một nhà văn, nhà biên kịch điện ảnh ở quê nhà, nhưng gọi cell phone mãi mà không được. Đến sáng nay mới được anh cho biết là lúc mình gọi phone anh đang dự lễ hiệp kỵ nhà Tây Sơn nên phải tắt cell phone. Qua đó, được anh cho biết lễ giỗ được "cúng chay 50% nhưng đãi mặn 100%", có nghĩa là cúng Tam Kiệt bằng cỗ chay, cúng quân thần bằng cỗ mặn; còn cỗ đãi cho quan khách và đồng bào đến dự bằng cỗ mặn 100%.
Nhân đây, mình xin đăng lại bài thơ "Tây Sơn cảm hoài" của bạn Đỗ Kinh Thi:         
              TÂY SƠN CẢM HOÀI 
      Mỗi lần thăm lại Điện Tây Sơn.
     Như vẫn đang nghe trống trận dồn.
     Áo vải, chân trần truy đuổi giặc,
     Thần công, hỏa hổ phá tan đồn.
     Xiêm quân Xoài Mút chưa hoàn vía,
     Thanh đế Đống Đa tiếp vãi hồn.
     Giếng nước cây me luôn ngọt mát.
     Cờ đào còn đó ngợp Trường Sơn.
ĐỖ KINH THI 
(Sài Gòn)

Thứ Năm, 9 tháng 12, 2010

Nghĩa của từ "TỰ DO"

Cách đây mấy hôm, anh bạn vong niên của tôi, một nhà báo, nhà thơ, và cũng là một blogger, gửi cho tôi 1 cái message qua cell phone, nhờ tôi giải dùm nghĩa của từ "tự do".
Khái niệm và nhận thức về từ "tự do" này rất chi là uyên áo. Sự hiểu biết, uyên bác và lịch duyệt thì không thể nào sánh được với anh nên tôi chỉ chép lại định nghĩa của từ này ở một vài từ điển để anh "tham khảo"!
Trả lời qua cell phone, bằng "lời" thì tốn "nhiều tiền", "bằng chữ" thì dài quá cho nên phải mượn chỗ này vậy!
 Nghĩa của từ "TỰ DO":

Thứ Ba, 7 tháng 12, 2010

ĐI HAY VỀ !?

"Đi hay về ! … đều cùng một nghĩa như nhau … " . Với những người đa mang tâm sự, với những người rời xứ, xa quê nghe thấy cả trăm cay nghìn đắng. Tàu chuyển bánh, ngoảnh mặt lại, hỏi nơi nào mới đích thị QUÊ HƯƠNG !? Quê hương, nơi ta thở, nơi ta có sẻ chia của những người cùng nỗi niềm, cùng lẽ sống. Quê hương – Tổ quốc, ơn trời đừng là giằng xé của “ Kiều Phong nơi Nhạn môn quan “ trong Lục Mạch Thần Kiếm của Kim Dung …
Trường Nghị

Đường thi (7)

TÂY SƠN CẢM HOÀI
       Mỗi lần thăm lại Điện Tây Sơn.
     Như vẫn đang nghe trống trận dồn.
     Áo vải, chân trần truy đuổi giặc,
     Thần công, hỏa hổ phá tan đồn.
     Xiêm quân Xoài Mút chưa hoàn vía,
     Thanh đế Đống Đa tiếp vãi hồn.
     Giếng nước cây me luôn ngọt mát.
     Cờ đào còn đó ngợp Trường Sơn.
ĐỖ KINH THI
(Sài Gòn)

Thứ Bảy, 4 tháng 12, 2010

Chuyện "Đầu thai" có thật ở Việt Nam!

Tôi lạnh sống lưng khi Tiến cầm tay tôi lắc lắc và chỉ ra con sông gần nhà: "Ngày trước cháu chết ở kia kìa". Tuy nhiên, theo TS Vũ Thế Khánh, Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học Công nghệ - Tin học Ứng dụng (UIA), chuyện của Tiến không có gì lạ cả.

Đường thi (6)

              NGẮM NHỚ XUÂN CHIỀU
     Lao xao vài cánh én.
     Khách đứng ngắm trời mây.
     Xế tỏa choại lưng núi.
     Chiều loang choán ngọn cây.
     Hương đồng tràn tóc ấy.
     Cỏ nội lướt môi này.
     Lũ bướm len cành lượn.
     Lòng quê nào dễ khuây.
  ĐỖ KINH THI 
(Sài Gòn - 02/12/2010) 

           (BÀI HỌA CỦA KHANG THI)
     Chờ xuân về! Hỏi én.
     Sao? nắng ẩn ngàn mây.
     Gió cuốn tê hồn lá.
     Đông về buốt cội cây.
     Bâng khuâng chiều xứ lạ.
     Lặng lẽ bóng trăng này.
     Dám hỏi người đồng cảm.
     Tìm đâu nguồn lãng khuây?
  KHANG THI 
(03/12/2010)

Thứ Năm, 2 tháng 12, 2010

Đi hay về!

        Nơi tôi làm việc... có những ngọn đồi thoai thoải, rộng hàng trăm mẫu.
       Cứ mỗi độ đông về, sau những cơn mưa đầu mùa, cỏ non bắt đầu cựa mình xanh biếc vùng trời là từng đàn ngỗng trời cả hàng ngàn con từ phương Bắc vượt ngàn dặm về trốn lạnh.
       Đàn ngỗng trời mà còn nhớ nơi đề về hàng năm... huống gì người Việt tha hương. Nhưng về rồi  hai ba tuần lại thấy bồn chồn trong dạ vì những đổi khác không tên... không thể nào tìm lại được ngày cũ như đàn ngỗng trời đã tìm được mỗi lần về.
       Đến khi có người hỏi  "Chừng nào về lại Mỹ?" mới thấy giật mình mà nghĩ...  "Đi VN hay về VN?  - Đi Mỹ hay về lại Mỹ?"
       Thôi thì...  "ĐI HAY VỀ CÙNG MỘT NGHĨA NHƯ NHAU!" Vậy!!!
TCT

Thứ Ba, 30 tháng 11, 2010

Quy Nhơn "phố biển" và "cỏ trôi" trên phố!

Trong 2 ngày 28 và 29-11, mưa lớn kéo dài, khiến cho nhiều tuyến đường phố tại TP Quy Nhơn như: Nguyễn Thị Định, Trần Cao Vân, Hai Bà Trưng, Trần Phú, Nguyễn Trãi, Trần Thị Kỷ, Diên Hồng… thành "phố biển" thực sự. Nhưng "lạ sự" là cảnh cỏ trôi trên đường Tăng Bạt Hổ (Hình ảnh dưới đây do tớ ghi lại được bằng cell phone vào lúc 10 h 30 ngày 29/11/2010):
"Cỏ trôi" trên đường Tăng bạt Hổ
Sau đây là vài hình ảnh trên báo chí về "phố biển" Quy Nhơn trong những ngày này:

Thứ Hai, 29 tháng 11, 2010

Đất và lòng người

     Ngày xưa Ông bà ta có nói như dạy rằng: "Nhất hậu hôn, nhì điền thổ".  Còn ngày nay, người ta nói thế nào? (Nguồn ở đây)

Chủ Nhật, 28 tháng 11, 2010

Đường thi (5)

NHỊP CẦU THƠ
       Bạc vạn mua chăng được trận cười.
     Tương phùng tri kỷ ý vần khơi.
     Thưởng quỳnh ngâm vịnh say lời ngọc,
     Ẩm tửu hàn huyên ngẫm sự đời.
     Cung kính hiền nhân cùng chốn chốn,
     Thân chào thi hữu khắp nơi nơi.
     Ai người đồng cảm mời nâng bút.
     Nối nhịp cầu thơ xướng họa chơi.
KHANG THI
(HT 24 bưu điện Pơng Drang - Krông Bút - DakLak)

NỐI NHỊP CẦU
(Họa lại bài "NHỊP CẦU THƠ")
       Trời đất giao mùa rộn tiếng cười.
     Thét vào biển cả dậy trùng khơi.
     Đường thi cảm ứng say lời đá,
     Bút pháp tâm linh ngấm vị đời.
     Nối nhịp cầu thơ vui khắp nẻo,
     Xuôi thuyền lướt sóng dạo muôn nơi.
     Ngàn hoa khơi sắc tình thi tửu.
     Mực cạn bút cùn khó nỗi chơi.
PHAN PHÚ SƠN
(Thi trấn Phú Phong - Tây Sơn - Bình Định)

XIN NỐI NHỊP CẦU
(Họa lại bài "NHỊP CẦU THƠ")
        Ước mở môi là một nụ cười.
     Dù vui - thương - ghét, mặc buồn khơi.
     Thiên đình thượng giới thôi mơ phận,
     Bến giác bờ mê chẳng nghĩ đời.
     Rôm rả cuộc cờ vui khắp xứ,
     Xông xênh tiệc rượu rộn muôn nơi.
     Nhịp cầu cao thấp đừng chê chấp.
     Nới rộng lòng ra nối cuộc chơi.
ĐỖ KINH THI
(Sài Gòn)

Oan sai... Vinashin?

Qua hai ngày chất vấn Chính phủ tại kỳ họp Quốc hội, ngày 23 và 24-11, vấn đề Vinashin nóng bỏng trước đó đã kết thúc khá nhẹ nhõm. Niềm tin về sự hồi phục của ngành công nghiệp đóng tàu thủy lại được nhen nhóm. (Báo điện tử Tầm Nhìn)

Thứ Bảy, 27 tháng 11, 2010

Tặng ảnh Bác Hồ cho hộ dân ở xã nghèo góp phần tạo sức lan tỏa cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" mạnh mẽ hơn.!

Nguyên bổn (Ở đây)
Huyện U Minh hơn 5.000 hộ dân được tặng ảnh Bác Hồ
Cập nhật ngày: 25/11/2010


Hơn 5.000 hộ dân của 2 xã Khánh Lâm và Khánh Hòa, huyện U Minh được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tặng ảnh Bác Hồ.
Đây là 2 xã nằm trong Chương trình 135 của Chính phủ. Người dân nhận ảnh với tinh thần trân trọng, tôn kính đối với Bác và hứa sẽ giữ gìn, treo ảnh Bác nơi trang trọng nhất trong gia đình.
Việc tặng ảnh Bác Hồ cho hộ dân ở xã nghèo góp phần tạo sức lan tỏa cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" mạnh mẽ hơn./.
Khánh Vy

Thứ Năm, 25 tháng 11, 2010

Chùm thơ về xứ Nẫu của người xứ Nẫu

THÂU NÀ!
     Bỗng nghe hai tiếng "THÂU NÀ",
     Tưởng người xứ NẪU, té ra QUƠ MÌNH.
     Âm quê hương, thắm bao tình,
     Nôn nao quán cóc, đậm hình bóng quê!
       ĐỖ KINH THI - Sài Gòn, 16/8/2007
(một bữa ngồi ở quán cóc bên đường, bỗng nghe lũ trẻ phát âm 2 tiếng "THÂU NÈ")

GỬI NGƯỜI EM XỨ NẪU
      NẪU khoe quê NẪU đẹp xinh,
     NẪU dìa xứ NẪU tỏ tình làm thơ.
     NẪU mong, NẪU đợi, NẪU chờ,
     NẪU đà có NẪU, ngẩn ngơ NẪU buồn!
                            ***
     EM khoe quê EM đẹp xinh,
     ANH  về  BÌNH ĐỊNH tỏ tình làm thơ.
     NGƯỜI mong, KẺ đợi, AI chờ,
     EM đà có BẠN, ngẩn ngơ ANH buồn!
  ĐỖ KINH THI
Trong tập thơ "Những khúc quanh đời"
(Chép lại nhân đọc bài "Nhớ Gò Bầu" của TCT)

 NHỚ GÒ BẦU
     Mới tới Cầu Đâu đã nhớ Gò Bầu,
     Huống chi tui ở tận trời Âu.
     Có ai dìa tới Gò Bầu, 
     Nhắn rằng tui mãi còn thương Gò Bầu.
     Nhà tui ở đầu cầu Gò Bầu,
     Nẫu đi qua lại tàn dân Gò Bầu
TCT - USA

Thứ Tư, 24 tháng 11, 2010

Những câu chuyện phản văn hóa ở đất nước "4K năm văn hiến"!

 1./ Nhà văn hóa và những câu chuyện phản văn hóa! 
 2./ Hình ảnh một ông quan văn hóa!

1./ Nhà văn hóa và những câu chuyện phản văn hóa!
(Nguồn: Báo Đại Đoàn kết)

Năm ngoái, khi những tấm biển “Nhà văn hóa” được đục gắn tự tiện tràn lan trước tường cổng các tư gia ngay giữa Thủ đô, dân tình và chính các tư gia được gắn bảng “văn hóa” này đã phản ứng quyết liệt. Họ cho rằng cái tấm biển “văn hóa” đấy đã làm “chướng mắt” chính cái không gian văn hóa của người dân. Nó hình thức và phản cảm đến mức ngay sau đó Bộ Văn hóa- Thể thao- Du lịch phải có ý kiến chấn chỉnh.

Chuyện không chỉ Hà Nội, phong trào gắn biển “gia đình văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” kiểu lối hình thức như vậy tràn lan khắp nước. Nhiều khi, chính những tấm biển mang danh “văn hóa” lại  vô tình xô lệch khuôn diện kiến trúc đô thị.

Về các vùng quê, sự lệch pha văn hóa trong các phong trào văn hóa này càng hiển hiện rõ hơn. Tôi vừa ở quê ra, hôm qua nhìn thấy đứa em trong họ “giận cá chém thớt” đánh đập mắng chửi vợ con mà vừa thương vừa tức. Nhà nghèo, một lũ con nheo nhóc, tiền học, tiền đong gạo dồn dập. Vậy mà tộc họ cứ dăm bữa nửa tháng lại nhắc thúc nộp tiền xây nhà thờ tộc. Cả triệu bạc với nó đâu có ít. Thế rồi lại đến việc vận động quyên góp mỗi nhà nửa triệu bạc để xây nhà văn hóa. Khổ, suốt ngày cứ bị các ngài quản lý văn hóa đến đòi nhắc khoản “dân tự nguyện đóng góp”. Không chạy nổi tiền nộp.Ưc qua, hắn về ném thúng quăng nia chửi mắng vợ con.

Chả nhẽ cái hậu họa “văn hóa” lại đến nỗi như vậy sao?

Hôm rồi ngoài Nghệ An, Hà Tĩnh đang lụt. Dân tình cả nước tập trung cứu trợ giúp sức cho dân vùng lũ. Thế mà ngay trong khi nước chưa rút,  tiền cứu trợ mới về đến xã- thôn  đã bị chặn ách lại để trừ bớt tiền định mức xây dựng cổng làng văn hóa với nhà văn hóa. Sáng nay đọc báo, lại thấy trong Quảng Ngãi người ta cũng đang “đe” dân ra đóng tiền xây nhà văn hóa, mỗi hộ phải “tự nguyện” ít nhất là nửa triệu bạc.

Chưa gì đã thấy “vấn đề” văn hóa ngay từ phương thức vận động quyên góp tiền của người dân để xây nhà văn hóa. Những “viên gạch” được nung đúc bằng phương cách nói trên có xây dựng nổi những mô hình nhà văn hóa? Chắc gì cái “nhà văn hóa” ấy được dựng lên sẽ nâng tầm văn hóa được cho những gia đình khốn khó kia, giúp họ có... văn hóa hơn, được sống được hưởng một môi trường văn hóa hơn?

Về các vùng quê, thử vào khám phá các “nhà văn hóa” thôn bản xem đang phục vụ và “khai hóa văn hóa” cho dân như thế nào, được bao nhiêu phần trăm ngôi nhà văn hóa thật sự có văn hóa? Thực tế, không ít nhà văn hóa đã được sử dụng không đúng chức năng có khi còn là nơi vài top choai choai ngày đêm chui vào xem phim sex.

Không thể xây dựng một ngôi nhà văn hóa bằng những viên gạch và phương thức phản văn hóa.
Đoạn clip công an bắt mại dâm với một phương cách rất phản cảm và thiếu văn hóa không được dư luận đồng tình mặc dù một số vị quan chức trong ngành đã lớn tiếng biện minh rằng đó là “biện pháp nghiệp vụ được phép sử dụng”. Nếu qui định của ngành công an cho phép biện pháp nghiệp vụ như thế thì cũng cần có sự xem xét lại.

Chống hành vi phi văn hóa rất cần có những phương cách văn hóa .
TDN
 
 
Sáng 23/11/2010 Đại hội Hội Nhà Văn Hà Nội chính thức khai mạc. Gần 300 hội viên mà hầu hết là các cụ văn nhân, đa phần tuổi ngoại lục tuần, chỉnh tề, trang trọng. Lần này xem ra đại hội có rất ít quan khách tới dự, chẳng biết tại sao? Thực ra thì đại hội thành công hay không dĩ nhiên là không phụ thuộc vào các vị khách mời. Có chăng chỉ là để cho đại hội … thêm phần long trọng! Tuy nhiên các quan khách sẽ đóng góp gì cho đại hội lại là chuyện khác. Có lẽ vì quá bận nhiều việc quốc gia đại sự nên không có một vị “đầu lỉnh” nào của thành phố sắp xếp được thì giờ tới dự. Hay phải chăng văn chương không phải là cái gì hệ trọng hay thiết thực đối với thành phố nên đến cũng được mà không đến cũng chẳng sao? Suốt 5 năm mà một Hội có khoảng gần 600 hội viên chỉ được thành phố “ưu ái” cấp cho khoản kinh phí ngót nghét 800 triệu đồng để tổ chức tất tần tật mọi hoạt động. Vậy thì nói khuyến khích văn học nghệ thuật có lẽ chỉ là đãi bôi mà thôi.

Người viết bài này chỉ xin kể một chuyện mắt thấy mà chắc cả đại hội ai cũng thấy. Đó là chuyện về một vị khách mời thuộc diện quan trọng nhất. Trong đại hội lần thứ 11 của Hội Nhà Văn Hà Nội lần này thành phố cũng chỉ cử một vị phó ban của một ban chuyên về quản lý VHNT đến dự và lên diễn đàn huấn thị cho các nhà văn. Thực ra thì các nhà văn cũng đâu quan tâm đến chức tước ông này bà nọ. Cái chính là người này thực sự đóng góp được gì với tư cách là đại diện cho lãnh đạo thành phố? Ấy vậy mà vị quan chức này khi xuất hiện đã thể hiện có phần … phản cảm. Tôi không muốn nói đến các lời giáo huấn của vị quan này mà chỉ nói đến một chi tiết rất nhỏ. (Xin đừng coi thường các chi tiết tưởng là nhỏ này). Khi bước lên bục diễn thuyết vị quan chức này nói rất hùng hồn, tay phải luôn chém gió nhưng tay trái thì hầu như luôn … đút trong túi quần!

Kể từ khi chậm rãi bước lên diễn đàn, cái tay ông này đã nằm trong túi. Mà trời đâu có rét! Tôi cứ tưởng ông vô ý, chỉ nhỡ theo thói quen. Nhưng khi đứng sau bục diễn giả, khi đã nói năng hùng hồn, khi tay phải luôn vung vẫy thì tay trái của ông vẫn nằm yên trong túi. Hay là tay ông bị làm sao? Không phải, vì thỉnh thoảng ông cũng rút tay ra nhưng rồi lại đút ngay tay vào. À, thì ra đó là cách để thể hiện “khí phách” của một nhân vật quan trọng! Nghe đâu ông từng là quan đầu lĩnh của một huyện ngoại thành. Có thể thói quen của một vị quan “phụ mẫu chi dân” đã ăn sâu nên khó mà sửa đổi!

Người viết bài này không phải là kẻ chuyên bới lông tìm vết. Tôi muốn kể lại việc này chỉ vì một ý nghĩ là một ông quan chuyên trách về văn hóa mà lại … thiếu văn hóa vậy thì liệu văn hóa Thủ đô có còn xứng với mãnh đất nghìn năm văn hiến?
Dương Ca
Tiến sĩ Hán - Nôm Nguyễn Xuân Diện (Blog Nguyễn Xuân Diện):
Đọc bài viết trên, tôi không biết cái ông quan văn nghệ khệnh khạng kia là ai. Nhưng đến khi đọc đến bài "Bên trong" Đại hội XI Hội Nhà văn Hà Nội có chuyện lạ gì?" cũng trên trang của bác Trần Nhương, tôi mới biết đích thị ông ta là: Nguyễn Khả Hùng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội. Tác phong ứng xử kiểu này, tôi thấy đây là trường hợp thứ hai. Trường hợp thứ nhất là Ông Ngô Hoà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, trong cuộc họp báo về Festival mới rồi - ảnh dưới .

Nếu đúng như phản ánh trong bài viết trên, tôi đề nghị Thành ủy Hà Nội, lần sau có các hội nghị nào liên quan đến văn nghệ sĩ trí thức, xin đừng cử Ông Nguyễn Khả Hùng đi nữa. Nếu cứ để ông ấy đi, sẽ mang tiếng cho Thành ủy là coi thường giới văn nghệ và trí thức.


Chủ Nhật, 21 tháng 11, 2010

DƯ ÂM NGÀY 20-11

    Người xưa "Tôn sư trọng đạo"

     Ngày nay, chúng ta có "Ngày nhà giáo Việt Nam",  như là ngày lễ hội  và là ngày "tôn sư trọng đạo", nhằm mục đích tôn vinh những người hoạt động trong ngành giáo dục, để các học sinh, đặc biệt là cha mẹ học sinh, đến tặng hoa và biếu quà cho các thầy, cô giáo.
    
     Thời chúng tôi còn cắp sách đến trường, không có ngày này mà chỉ có "mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy". Người khác thì sao không biết chứ riêng tôi thì chưa bao giờ tôi tặng hoa hay tặng quà gì cho thầy, cô giáo cả, ngoài việc chúc tết thầy. Tôi chưa bao giờ được thầy, cô giáo dạy "phụ đạo" hoặc cho "học thêm", "học kèm", nhưng vẫn nhận được kết quả "học lực: giỏi", "hạnh kiểm: tốt". Trong lòng tôi, hình ảnh người thầy, cô giáo lúc nào cũng đáng kính và không bao giờ, cho dù là một thoáng chốc, có ý nghĩ tiêu cực về thầy, cô giáo của mình. Chúng tôi vẫn khắc sâu tinh thần "tôn sư trọng đạo"!
     
      Xa hơn nữa về trước, tuy dưới chế độ phong kiến, thực dân, nhưng tinh thần "tôn sư trọng đạo" đó cũng được thượng tôn và vẫn còn ghi dấu mà tôi được thấy và biết rất cụ thể ở chính trong gia đình mình. Đặc biệt là học sinh còn đến tặng quà cho thầy sau khi thầy đã mất ngót 30 năm! Tôi xin được ghi lại ở đây:
      
       1./ Trường hợp thứ nhất: Ông cố (tằng tổ) của tôi là một thầy đồ dạy chữ Hớn, có thời gian dạy học khoảng 4, 5 năm, vì ông mất sớm (mới gần 40 tuổi, sau 3 keo thi rớt tú tài Hán học) nên thời gian dạy học không nhiều. Tuy vậy, hơn 30 năm sau khi ông mất, một số môn sinh (khi đã đứng tuổi, có danh phận và sự nghiệp) còn đến tặng một món quà, đó là 1 câu đối khảm xà cừ. Ấn tượng hơn nữa, một vài người con của học trò ông còn đến dự và cúng lạy người thầy của cha mình, nhân ngày giỗ ông hằng năm mà  ngày còn bé tôi đã từng chứng kiến.
     
       2./ Trường hợp thứ hai: Ông cố của tôi có một người anh trai cũng là một thầy đồ dạy chữ Hớn, nhưng ông có thời gian dạy học lâu hơn (khoảng 15 năm). Sau khi ông mất các học trò của ông đã tặng ông  (chính xác là tặng cho con cháu ông) một món quà, còn đặc biệt hơn, là mấy khoảnh ruộng (diện tích khoảng 5.000 m2) để con cháu lấy hoa lợi mà hương khói và cúng giỗ cho thầy. Những khoảnh ruộng này tục gọi là "ruộng đồng môn".

     Tiếc thay, sau ngày 30/4/1975, Nhà nước ta đã đưa những khoảnh "ruộng đồng môn" này vào Hợp tác xã nông nghiệp. Chắc chắn rồi mai đây, chỉ cần dăm ba năm nữa thôi, khi  lối mươi người còn lại ở lứa tuổi U80 ở xóm Trung Hòa Đông, làng Trinh Tường quê tôi đã ra người thiên cổ thì không còn ai biết được những khoảnh "ruộng đồng môn" này cũng như tinh thần "Tôn Sư Trọng Đạo" đã từng được trân trọng và thượng tôn cụ thể và sâu sắc như thế nào!

 Hình ảnh và nội dung của "món quà"
của môn sinh ông cố tôi tặng thầy sau khi ông mất trên 30 năm.

Đứa cháu "huyền tôn" trước bàn thờ, cạnh câu đối
của các môn sinh "tặng" thầy sau khi thầy mất trên 30 năm.


 Hình ảnh và nội dung câu đối.
Câu đối này được viết theo lối "thảo" nếu viết "chân":
山 斗 髙 懸 顒 懿 笵
箕 裘 永 裕 慰 潜 靈
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện (Viện Hán Nôm) đã phiên âm và dịch nghĩa như sau:
"Gửi bác Bửu Châu:
Đôi câu đối trong ảnh mà Bác nhờ đọc giùm, xin đọc như sau:
SƠN ĐẨU CAO HUYỀN NGUNG Ý PHẠM
CƠ CẦU VĨNH DỤ ỦY TIỀM LINH

Nghĩa:
Như Thái Sơn, Bắc Đẩu treo gương ngưỡng vọng khuôn phép
Ấy nghiệp nhà tốt đẹp truyền mãi an ủi linh hồn tiền nhân.

Sơn = Thái Sơn;  Đẩu = Bắc Đẩu (tên sao);  Cơ, cầu: Cái nong (nia), cái áo cầu (áo lông cừu). Kinh Lễ có câu: Cung gia chi tử tất học vi cơ. Dã gia chi tử tất học vi cầu = con nhà thợ làm cung, tất phải học cách uốn của người làm nong nia. Con nhà thợ đúc, ắt phải học cách lắp ghép của người làm áo cừu (chắp các mảnh lông cừu lại để may áo). Ý câu này nói con cháu nối theo nghiệp nhà."

Các vị ở Viện Việt học (INSTITUTE OF VIETNAMESE STUDIES - USA) cũng đã nhận xét, phiên âm và dịch nghĩa như sau:
-Trần Ngọc Đông: "Chà câu đối được khảm trai, chữ viết đẹp quá! Câu đối viết thảo nên tôi cũng không biết hết, nhờ bác Khúc Thần dịch giúp với. Mấy chữ nhỏ góc trên là Bảo Đại thập lục niên Tân Tị đông (1941)."
-Khúc Thần:
Phiên âm: Sơn Đẩu cao huyền ngung ý phạm.
             Cơ cừu vĩnh dụ ủy tiềm linh.
Dịch nghĩa: Sơn Đẩu (Thái Sơn, Bắc Đẩu) treo cao, ngưỡng mộ đức độ cao cả tốt đẹp
                 Sự nghiệp (để lại) mãi dồi dào, an ủi vong hồn người quá cố

Tùy Bác sắp xếp lại cho đối xứng. Khôg biết có vị nào có ý kiến gì thêm cho được chỉnh hơn. Xin cám ơn trước. 
-Lãng khách: Bác Trần Ngọc Châu kính, Lãng cũng là người bập bẹ học chữ Hán, nhưng cũng thử góp chút ý kiến xem, biết đâu lại...may mắn đúng:
Tán tụng phong thái (như) núi lớn (Sơn đẩu hình như không nên đề cập tới Thái Sơn và Bắc Đẩu, mà chỉ xem như là 1 sự vật)
Yên ủi vong linh (xưa đã) nối được nghiệp lớn muôn đời 

UPDATE: Ngày 08/01/2013, ngày giỗ kỵ Ông, có sự tham dự của người con một học trò của Ông:
Bác Đỗ Bá Khải (bên trái), cựu giáo viên trường Trung cấp Tài chính Trung ương 3, con của một người học trò của Ông; cùng người cháu nội của Ông (bên phải) tại ngày giỗ Ông (27 tháng 11 năm Nhâm Thìn - 08/01/2013).

 P/s: - Các Web Blog có đăng bài này: ở đây và ở đây.
        - Bài có liên quan ở blog này: ở đây và ở đây.     

Thứ Bảy, 20 tháng 11, 2010

Cảm ơn ngày 20-11

(Coi thêm bài có liên quan ở đây và ở đây.)

Nhân ngày 20-11 được nhận quà tặng của Trung tâm nơi mình giảng dạy!
Nghe đọc....

... rồi được tặng quà  (thích nhất!)

Thứ Sáu, 19 tháng 11, 2010

Đường thi (4)

 BA MƯƠI BỐN NĂM NGÀY ẤY
     Hai mươi - mười một đến đây rồi.
     Trở giấc mơ xưa năm tháng khơi.
     Màu trắng thưở nào vương trí bạn,
     Sắc xanh ngày ấy đọng tâm tôi.
     Phấn buông, bảng tróc trêu đời giấy,
     Mực cạn, bút cùn chọc tuổi trôi.
     Xà ích - sông hồ còn dấn bước.
     Răng long, tóc bạc vẫn bồi hồi.
ĐỖ KINH THI
(20/11/1976-20/11/2010)

20-11 CẢM TÁC 
(Họa lại bài "BA MƯƠi BỐN NĂM NGÀY ẤY" của Đỗ Kinh Thi)
     Theo đuổi thời gian kiệt sức rồi.
     Điền viên vui thú những xa khơi.
     Lại mùa xuân thắm hồn non nước,
     Vẫn đóa hồng in tâm thức tôi.
     Phấn trắng, bảng đen còn gắn bó,
     Sách đèn, nghiên bút mãi buông trôi.
     Mong đàn em nhỏ luôn chăm chỉ.
     Gầy dựng tương lai chẳng mấy hồi.
PHAN TRƯỜNG LUẬN

Chủ Nhật, 14 tháng 11, 2010

Đường thi (3)

 Hai bài thơ "xướng" của HUY THU và "họa" theo thể "thuận nghịch độc" của KINH THI

TÂM TRẠNG
     Trăng mơ nước bạc thả hồn say.
     Quên hết thời gian đến mỗi ngày.
     Nghe gió ngỡ trời đang trổi nhạc.
     Nhìn mây mơ tưởng phụng long bay.
     Gạo tiền cơm áo quên thăm hỏi.
      Bút sách thi thơ khéo luận bày.
     Chiêm nghiệm giả chân lời ẩn áo.
     Ngắm đời đen trắng nhắp chua cay.

NIỆM KHÚC TÌNH SƠ
     Gặp lại nghe đau chuyện kiếp người.
     Tình ta huyền hoặc đón sao rơi.
     Trời mơ sót lại màu sim tím.
     Bến mộng nhòa phai sắc nắng trời.
     Muốn nhặt hoa tàn thôi đã lỡ.
     Thèm gom nỗi nhớ trót chia nơi.
     Cảm ơn em đã cho tôi giữ.
     Hình bóng người xưa sưởi ấm đời.
HUY THU

Bài họa của Đỗ Kinh Thi

         KHÚC TÌNH THƠ
      (Thuận nghịch độc) 
     Đời trêu hạc nội mây ngàn say.
     Lạ cảnh buồn thêm nối tháng ngày.
     Nơi lắm mộng mơ hoa khẽ động,
     Chốn nhiều nhung nhớ gió đưa bay.
     Trời nghiêng bạn cách thơ sâu lắng,
     Đất ngửa người xa rượu tỏ bày,
     Rơi rụng sóng đùa trăng rọi bóng.
     Người bên ngọt đắng nhấp chua cay.
 
     Cay chua nhấp đắng ngọt bên người.
     Bóng rọi trăng đùa sóng rụng rơi.
     Bày tỏ rượu xa người ngửa đất,
     Lắng sâu thơ cách bạn nghiêng trời.
     Bay đưa gió nhớ nhung nhiều chốn,
     Động khẽ hoa mơ mộng lắm nơi.
     Ngày tháng nối thêm buồn cảnh lạ.
     Say ngàn mây nội hạc trêu đời. 
ĐỖ KINH THI

Thứ Bảy, 13 tháng 11, 2010

Nụ cười của ký giả trước tử tội!

Ta đã từng thấy  nụ cười của của vài tử tội trước tòa án, nay mới thấy được nụ cười của ký giả trước tử tội tại tòa án!

Thứ Năm, 11 tháng 11, 2010

Đường thi (2)

      XUÂN TÌNH
    Xuân đi, xuân đến trải lòng ra.
   Áo lụa em khoe nắng vỡ òa.
   Tình đó biếc xanh ngây dáng cỏ.
   Duyên đây đượm thắm ngất hương hoa.
   Gối chăn, tuổi tác dù phai lạt.
   Nhiệt huyết, tim yêu vẫn đậm đà.
   Qui luật trăng tròn rồi lại khuyết.
   Trăm năm sưởi ấm cõi lòng ta.
ĐỖ KINH THI
(11-11-2010)

Thứ Tư, 10 tháng 11, 2010

Cháu tôi - Ước mơ của bé

Cháu tôi  được giải cuộc thi "Bear for be - Ước mơ của bé"

Ước mơ của bé



Ngày 8 tháng 9 năm 2010
Con thân yêu của ba mẹ.

Chỉ còn hơn 10 ngày nữa là tết trung thu rồi đó con. Năm nào cũng vậy, ba mẹ chở con và anh hai ra nhà bác Ba xem múa lân, xem lân xong thể nào bác trai cũng cho con một hộp bánh trung thu mang về, còn không quên kèm theo lời chúc con và anh hai cố gắng học giỏi hơn năm ngoái. Còn năm nay…con lại ở đây, một nơi mà từ nhỏ lớn lên và cho đến tận bây giờ mẹ mới được biết đến –Bệnh viện truyền máu huyết học thành phố Hồ Chí Minh. Con ơi, mẹ đã đi từng bước chân xiêu vẹo khi chiếc xe cấp cứu của bệnh viện Nhi Đồng I chở con vào đây với căn bệnh ung thư máu, chiếc còi hụ của chiếc xe cấp cứu mỗi lúc như xé nát con tim mẹ, trời đất như tối sầm. Lúc đó, mẹ cứ nghĩ sao cuộc đời này lạnh nhạt quá, đến một hạnh phúc, một nụ cười mà con có cũng không trọn vẹn…

Ngày chuyển viện, con ngồi ngước mắt hỏi mẹ: “Con bị bệnh nặng hả mẹ?” rồi con ngồi cúi xuống mắt đỏ hoe.Và kể từ ngày đó, con của mẹ đã phải chiến đấu với căn bệnh nghiệt ngã này khi tuổi đời mới lên 9, lứa tuổi mà sự hồn nhiên, trong sáng luôn ngự trị ở trong con.

Ngày đó, mẹ thật sự tuyệt vọng…, mẹ chỉ biết khóc thật nhiều về bệnh tình của con.
Ngày tựu trường lại đến, những đứa trẻ khác đã mặc quần áo mới đi học, thì con của mẹ đang vật vã trên giường bệnh, những cơn đau nhức khắp người, con khóc nói với mẹ: “Mẹ ơi, cứu con với! Con còn nhỏ không muốn chết đâu!”. Nghe những lời than thở của con mà mẹ lại tự trách sao thượng đế đã ban cho con một hình hài đẹp đẽ như con, mà không tạo cho con được một con người khỏe mạnh.

Rồi lại một ngày…bác sĩ điều trị gọi ba mẹ vào để thông báo về tình hình diễn biến bệnh của con và phác đồ điều trị của bệnh viện. Từng lời nói của bác sĩ Trúc chậm rãi và đôi mắt hiền từ ngay từ những buổi ban đầu vào nhập viện, rồi sự chăm sóc, quan tâm của các y bác sĩ, và những cô điều dưỡng ở đây đã làm mẹ cảm thấy an tâm và lạc quan hơn.

Mẹ mong con hãy lạc quan và tin tưởng vào cuộc sống nha con. Mẹ biết con trai mẹ giỏi lắm, mỗi lần lấy tủy để xét nghiệm, con đã tỏ ra không sợ đau vì trông cho mau khỏi bệnh để được về đi học, con đã biết hỏi mẹ con tốn nhiều tiền chưa?Và con đã biết lo lắng mỗi khi bị lên cơn sốt Mẹ xót xa lắm nhưng cũng vui mừng lắm khi con đã dũng cảm nói với ba: “Ba ráng lo cho con đi ba, mai này lớn con nuôi lại ba mẹ, nhưng ba mẹ đừng bán nhà, mình biết ở đâu” nghe con nói như vậy ba mẹ khóc trong nước mắt với một sự bất lực vì ba mẹ con nghèo quá.
Ngày mai ba con phải về quê tiếp tục đi làm kiếm tiền và vay mượn tiền để vào chữa bệnh cho con. Mẹ biết từ giờ con phải đương đầu với số phận…Nhưng dù số phận có nghiệt ngã đến đâu, con hãy cố gắng chịu đựng và hãy tin vào cuộc đời này vẫn dành cho con những điều tốt đẹp. Con có thấy không? Mấy cô chú bác sĩ, y tá và những người phục vụ ở đây lúc nào cũng tươi cười, niềm nở, mặc dù họ phải đè nén những bức xúc từ bệnh nhân và người nhà, thông cảm để mang lại niềm vui cho mọi gia đình và sự sống cho những người bệnh như con. Mẹ cũng đã gởi hình ảnh của con đến một số nhà từ thiện. Mẹ hi vọng sẽ có những tấm lòng nhân ái giúp để con chữa bệnh. Vì vậy, con của mẹ hãy can đảm vượt qua nỗi đau này, vượt qua số phận nghiệt ngã này; rồi con sẽ phải được trở lại mái trường tiểu học Quang Trung để học tiếp cho hết cấp 1, mặc dù có chậm trễ hơn bạn bè nha con!

Trung thu năm nay khác với trung thu mọi năm, ba mẹ sẽ không dẫn con đến nhà bác xem múa lân nữa. Mẹ nghe nói sẽ có chương trình “Bear for Bé” tổ chức vui chơi trung thu tại bệnh viện cho các bệnh nhi, vậy là con sẽ được vui chơi rằm trung thu ở đây rồi.

Con có thấy không? Quanh con vẫn còn ấm áp tình yêu thương của ba mẹ, của người thân, của các y bác sĩ, và của cả những con người đầy lòng nhân ái, thì cơn bệnh quái ác kia chỉ là những thử thách nhỏ trong cuộc đời này thôi con ạ. Con hãy mỉm cười đi, hãy cố gắng ăn uống, nghỉ ngơi và theo sự chỉ dẫn của bác sĩ nha con. Bác sĩ bảo bệnh con nếu có đầy đủ sức khỏe, lạc quan, vui vẻ, bệnh sẽ khỏi nhanh và con sẽ được về nhà đi học, nhưng con phải nhớ là xung quanh con lúc nào cũng tràn đầy tình yêu thương của gia đình và cộng đồng xã hội. Con hãy cố gắng để vượt qua những bệnh tật con nhé.

Tổng kết cuộc vận động sáng tác "Cùng bé đón trăng"

Chương trình “Bear for Bé” phát động đợt sáng tác lần thứ 2 với chủ đề “Cùng Bé Đón Trăng - 2010” tại bệnh viện Truyền Máu Huyết Học TPHCM. Tính đến cuối ngày 13/09/2010, chương trình đã nhận được 13 bài viết và 4 bức tranh từ các bé và quý phụ huynh.

Chúng tôi rất vui mừng và trân trọng khi nhìn thấy từng nét chữ, nét vẽ của các bé, các phụ huynh, mặc dù trong lúc còn biết bao bề bộn, tấp nập, lo toan của cuộc sống thường nhật.

Qua những đợt phát động sáng tác, chúng tôi hi vọng đã tạo điều kiện cho bé và phụ huynh bày tỏ những thương yêu, những trăn trở và cả những niềm tin để mong sẻ chia phần nào những khó khăn, nhọc nhằn trong những ngày tháng thầm lặng vượt lên căn bệnh của mình. Và qua những suy tư của các bé và phụ huynh, từ phía chương trình chúng tôi cũng hiểu được một cách thấu đáo hơn, sâu sắc hơn về những băn khoăn, lo lắng của bệnh nhi và phụ huynh trên nẻo đường chữa bệnh.
Cuộc vận động sáng tác “Cùng Bé Đón Trăng - 2010” nay đã khép lại, nhưng vẫn còn đây những tâm tư, suy nghĩ, sẻ chia còn vương vấn đâu đó trên từng nét chữ chưa ráo mực của bé, của Mẹ của Cha, của những người đang đi qua cuộc đời chợt ngộ duyên với những căn bệnh về đường máu. Xin trân trọng gìn giữ những lời tâm sự này, như một lời nhắc nhở vì sao chúng ta cần có nhiều yêu thương cho các bé hơn.

Xin được gởi lời chúc mừng tất cả những bài viết, tranh vẽ đã tham dự đợt sáng tác này. Bản thân mỗi bài viết đã là một sự thành công. Thành công vì mỗi câu từ, mỗi trang giấy giúp ta được gần nhau hơn, cảm thông hơn và yêu thương hơn.

Kết quả:

GIẢI ĐẶC BIỆT:
1 - Bé Nguyễn Thanh Thanh (13 tuổi,phòng 303) với bài viết “Tết trung thu vui vẻ”
2 - Chị Nguyễn Thị Hồng Nhựt (mẹ của bé Trần Ngọc Trân (9 tuổi, phòng 316), với bài viết “Ước mơ của bé”

Xin cảm ơn chân thành sự tham gia, đóng góp nhiệt tình của các bé và phụ huynh, các tình nguyện viên và bệnh viện Truyền Máu Huyết Học TPHCM đã tạo điều kiện thuận lợi cho chúng tôi phát động đợt sáng tác.

Chúng tôi hi vọng sẽ nhận được sự ủng hộ trong những đợt phát động sáng tác sắp tới.

Thay mặt chương trình Bear for Bé đồng kính báo.

Chương trình Bear for Bé