“ 2. Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức tuyên truyền bằng miệng, bằng bản viết, in, hoặc dưới hình thức nghệ thuật, thông qua bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào tuỳ theo sự lựa chọn của họ.
3. Việc thực hiện những quyền quy định tại khoản 2 điều này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó, việc này có thể phải chịu một số hạn chế nhất định, tuy nhiên, những hạn chế này phải được quy định trong pháp luật và là cần thiết để:
a) Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác,
b) Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức của xã hội."
(Điều 19. Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, LHQ biểu quyết năm 1966, VN ký và tham gia ngày 24/9/1982).
Biết được sự thiệt tuy khó, nhưng còn khả dĩ; nói rõ được sự thiệt hầu như bất khả !"... ĐÃ XA RỒI CÁI THỜI MÀ AI NÓI RA ĐIỀU GÌ CŨNG SỢ BỊ PHÊ PHÁN MẤT LẬP TRƯỜNG, CẢ XÃ HỘI BỊ ÉP SỐNG TRONG CÁI VỎ ĐẠO ĐỨC GIẢ, TỪ TRÊN XUỐNG DƯỚI, NÓI THÌ RẤT HAY, NHƯNG LÀM THÌ NGƯỢC LẠI..." (GS Hoàng Tụy)
Suy gẫm hôm nay: "VẪN BIẾT SỐNG LÀ HƯỚNG ĐẾN TƯƠNG LAI, NHƯNG QUÁ KHỨ LÀ TẤM GƯƠNG NÊN SOI LẠI!"

Thứ Hai, 29 tháng 11, 2010

Đất và lòng người

     Ngày xưa Ông bà ta có nói như dạy rằng: "Nhất hậu hôn, nhì điền thổ".  Còn ngày nay, người ta nói thế nào? (Nguồn ở đây)

     Cứ nhắm mắt mở báo giấy hay báo mạng ra mỗi ngày là thấy ngay không ít chuyện bi hài, thậm chí nhiều khi rất bi thảm, xảy ra xung quanh miếng đất sở hữu. Có thể nói, đất đai là thước đo, là cái phong vũ biểu nói lên đạo đức của con người, phẩm chất của công bộc.
      
     Không ít ông quan đã phải ra tòa, thân bại danh liệt chỉ vì một miếng đất. Vì một miếng đất mà đứa con bất hiếu có thể đuổi người mẹ đẻ thân cô thế cô gần đất xa trời ra đường đi ăn xin, anh em đang thuận hòa phải chia lìa ly tán, có khi giết nhau bởi hận thù. Vì một rẻo đất chỉ vừa đủ cắm dùi thôi, hai người hàng xóm vẫn tắt lửa tối đèn đi lại với nhau bỗng dưng thành kẻ thù, có khi xảy ra án mạng. Chuyện lấn đất kiểu tằm ăn dâu một cách ti tiện còn xảy ra ở tầm quốc gia, nhiều khi đe dọa cả hòa bình.
     
      Đất có sức hủy hoại ghê gớm với đạo đức con người, xói mòn lòng tin, tình ruột thịt, đồng chí hay bằng hữu. Những cơn sốt đất giống như bão táp làm đảo lộn nhiều thứ, nhưng thứ bị đảo điên thảm hại nhất, bị phơi bày tận đáy chính là lòng người và liêm sỉ.

     Chuyện "trục" nọ "trục" kia ông chẳng bà chuộc khi có khi không, chuyện khôi hài đường sá bẻ quẹo hay nắn thẳng qua nhà quan, quy hoạch cả một vùng bị xiên xẹo, xấu xí đi... thường bị dư luận nghi ngờ một cách chính đáng là do lợi ích về đất của một nhóm hay thậm chí một người.
      
     Người là hoa của đất nhưng cũng không ít người xấu xa, trở thành vô liêm sỉ, phải đeo mặt mo suốt đời vì đất. Lòng tham như con thú, nó sẽ nhe răng thả vuốt ngoạm thứ dễ nhất nhưng thường cũng là miếng mồi ngon nhất là đất.
      
     Nhưng không phải bao giờ cũng chỉ là chuyện bi hài. Dù đạo đức có thành sa mạc chăng nữa, thì con người vẫn là ốc đảo xanh rờn cho bóng mát, củng cố được niềm tin vào sự tốt đẹp không bao giờ cạn. Một bài báo chưa ráo mực ngày 10-11 đưa tin: "Chị phải đi giúp việc cho nhà người (lương tháng 1,5 triệu đồng), anh làm phu hồ kiếm tiền nuôi con (80.000 đồng một ngày) nhưng vợ chồng anh Tạ Đức Ngọc (thôn 5, xã Yên Phú, huyện Hàm Yên, Tuyên Quang) đã tự nguyện hiến 1,1 héc ta đất vườn đồi đang trồng keo, cây ăn quả... của mình cho xã xây trường học..." (TTXVN và Dân trí 10-11).
      
     Đứa con gái lớn của anh chị cũng phải nghỉ học giữa chừng vì nhà không đủ tiền nuôi, hiện hai vợ chồng cũng đang phải đi làm thuê ở TPHCM để mưu sinh. Một hộ thuộc diện nghèo, cả nhà đi làm thuê, đi ở đợ, đã xả thân làm việc thiện. Nỗi đau thất học ám ảnh họ và họ đã không tiếc đống của cải mồ hôi nước mắt gây dựng cả một đời để làm trường, tạo ra ánh sáng từ hố sâu nghèo đói.

     Bài báo viết thêm: "Anh chị còn thúc giục xã nhanh chóng hoàn thiện thủ tục hồ sơ chuyển nhượng đất để còn phải đi làm xa. Sau khi bàn giao đất đai xong, anh chị đóng cửa nhà, khăn gói lên đường đi làm thuê với tâm trạng vui vẻ".
     
      Ai làm từ thiện cũng đều trong "tâm trạng vui vẻ". Nhưng các nhà hảo tâm, những tấm lòng vàng lừng danh thế giới như Bill Gates hay Warren Buffet cũng chỉ mới cho thiên hạ vài phần trăm gia sản của mình. Nhiều người giàu xứ ta cũng vui vẻ bỏ cả hạt xoàn hay xuyến vàng vào hòm công đức cúng dường tam bảo cho nhà chùa nhưng là để cầu phúc và cầu "nhất bản vạn lợi" hay xây chùa chứ không phải xây trường. Không ít vị đầy tớ dân mồm rao giảng đạo đức mà tay để gầm bàn nhận phong bì, sau đó gom đất của người nghèo, nghiễm nhiên thành những địa chủ mới.
      
     Vì lòng không thành, tâm bất chính, hành động vi phạm pháp luật kỷ cương mà nhiều ông quan phụ mẫu đã là nguyên nhân của những vụ khiếu kiện đất đai, gây khó khăn cho chính nơi mình chịu trách nhiệm phục vụ. Xin các vị hãy tin chuyện hiến đất của anh chị Tạ Đức Ngọc là có thật, là trên đời còn có những người làm mướn, ở đợ có khát vọng "làm ra ánh sáng" chứ không phải suốt đời "ôm đất". Và nếu như các vị đó biết đỏ mặt dù một phút thì cũng là phúc lớn cho đất nước rồi.


Tác giả: Nguyễn Quang Thân - TBKTSG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Dùng mã code dưới đây để chèn nguồn từ bên ngoài vào comment:

Link : <a href="Link URL">CLICK HERE </a>
Hình ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
Youtube clip : [youtube]Link video từ yotube[/youtube]