“ 2. Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức tuyên truyền bằng miệng, bằng bản viết, in, hoặc dưới hình thức nghệ thuật, thông qua bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào tuỳ theo sự lựa chọn của họ.
3. Việc thực hiện những quyền quy định tại khoản 2 điều này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó, việc này có thể phải chịu một số hạn chế nhất định, tuy nhiên, những hạn chế này phải được quy định trong pháp luật và là cần thiết để:
a) Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác,
b) Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức của xã hội."
(Điều 19. Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, LHQ biểu quyết năm 1966, VN ký và tham gia ngày 24/9/1982).
Biết được sự thiệt tuy khó, nhưng còn khả dĩ; nói rõ được sự thiệt hầu như bất khả !"... ĐÃ XA RỒI CÁI THỜI MÀ AI NÓI RA ĐIỀU GÌ CŨNG SỢ BỊ PHÊ PHÁN MẤT LẬP TRƯỜNG, CẢ XÃ HỘI BỊ ÉP SỐNG TRONG CÁI VỎ ĐẠO ĐỨC GIẢ, TỪ TRÊN XUỐNG DƯỚI, NÓI THÌ RẤT HAY, NHƯNG LÀM THÌ NGƯỢC LẠI..." (GS Hoàng Tụy)
Suy gẫm hôm nay: "VẪN BIẾT SỐNG LÀ HƯỚNG ĐẾN TƯƠNG LAI, NHƯNG QUÁ KHỨ LÀ TẤM GƯƠNG NÊN SOI LẠI!"

Thứ Hai, 25 tháng 2, 2013

Ấn tượng đêm "Thơ Nguyên Tiêu Quý Tỵ - 2013" ở Quy Nhơn - Bình Định.

     Đêm thơ Nguyên tiêu năm Quý Tỵ - 2013 ở Bình Định, do Hội Văn học Nghệ thuật và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Định tổ chức, khai mạc vào lúc 19 giờ 30 phút, ngày 24/02/2013 tại Đồi Thi nhân (Khu du lịch Ghềnh Ráng - TP. Quy Nhơn) với chủ đề “Tổ Quốc và Vầng Trăng". Hình như đến giờ chót, chủ đề của đêm thơ được thay đổi là "Tổ Quốc Vầng Trăng", nên chữ "và" trên phông nền của sân khấu đã bị xóa nhưng chưa sạch, vẫn còn đọc được!
     Đến dự khán đêm thơ đã để lại trong tôi mấy ấn tượng:

      1./  "Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên", nhưng đêm nguyên tiêu hôm nay thì "nguyệt... mất tiêu" vì bị cả một trời mây mù che kín, thỉnh thoảng mới vẹt mây được đôi chút để chị Hằng nhìn xuống đêm thơ:

      2./ Có lẽ để biểu thị cảnh vầng trăng bị mây mù che phủ nên trên sân khấu, ban tổ chức đã cho trưng bày một hình tròn màu vàng được tấm vải màu xanh nước biển che khuất gần một nửa:

      3./ Đến với đêm thơ, không những được coi, được nghe thơ mà còn được nghe buổi giao lưu giữa ban tổ chức với một đồng chí cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh, một đồng chí nhạc sỹ làm việc ở Sở văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, về các chuyến công tác đến quần đảo Trường Sa (đồng chí cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh gọi Trường Sa là "tiền tuyến" mà "hậu phương" là lẫnh thổ ở đất liền. Lại thêm một khái niệm mới, vì nước ta đang hòa bình, thạnh trị, có chiến tranh với ai đâu mà có "tiền tuyến" với "hậu phương"(!)(?)) cách nay 3, 4 năm của các đồng chí đó; đặc biệt, buổi giao lưu còn có sự tham gia của vị khách rất ấn tượng là một đồng chí Thượng úy bộ đội Hải quân Nguyễn Hồng Nhật, đảo trưởng đảo Đá Đông, một đảo chìm thuộc quần đảo Trường Sa, đang nghỉ phép ở quê nhà: xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước. Buổi giao lưu khá lâu nên đã khiến một vài người (nói giọng miền Bắc) phản đối và Ban Tổ chức phải bỏ bớt một số, nghe đâu đến 4, hay 5 tiết mục, trình diễn thơ.

      4./ Nhưng, hơn hết và ấn tượng sâu sắc nhứt là lòng yêu thơ, yêu văn học và nghệ thuật,... của người Bình Định. Mặc dù đêm thơ nguyên tiêu diễn ra trong điều kiện thời tiết khá xấu, trời mưa lất phất, trước giờ khai mạc và thỉnh thoảng, lai rai trong buổi diễn, nhưng có những cháu bé 9, 10 tuổi cho đến nhiều cụ già 7, 8 mươi xuân, cả nam lẫn nữ, vẫn không quản ngại gió mưa, trẻ thì che dù, già thì đội nón lá, choàng nylon che mưa đến dự khán:
Có những cô, dì, dáng vẻ nông dân:
Bên cạnh những anh, chị tầm cỡ "đại gia" người thành phố:
Cho đến các nghệ sỹ, các nhà thơ trong khi chờ đến phiên lên sân khấu trình diễn:

      Ai nấy đều rạng rỡ tươi cười khi tôi xin được chụp vài tấm hình để lưu niệm.Thiệt đúng là không hổ danh con người "đất võ, trời văn" của quê hương Bình Định!


Thứ Sáu, 15 tháng 2, 2013

Thầy giáo, bạn văn.

     Thầy Huỳnh Kim Bửu vừa ra đi về miền miên viễn.
    Anh Trương văn Dân (ở đâyđây), một người bạn văn cũng là một người học trò cũ của Thầy (ở đâyđây), cách đây vừa tròn 1 tháng, khi "nghe tin thầy nhập viện. Cấp cứu. Phòng cách ly...", đã có một bài viết về người Thầy vừa là Bạn văn của anh, rất ấn tượng.
    Như một nén hương lòng kính tiễn biệt Thầy Huỳnh Kim Bửu, Xin được giới thiệu với Quý thân hữu:
http://xunauvn.files.wordpress.com/2013/02/huynh-kim-buu.jpg
Nhà văn - Nhà giáo HUỲNH KIM BỬU
         Một buổi sáng nắng nhẹ, trời trong. Anh giáo trẻ dáng dỏng cao bước vào lớp đệ tứ, khẽ hất ngược mái tóc ra sau rồi nhìn các cô cậu học trò :
        “Hôm nay trời thật đẹp! Ngồi trong phòng mà học thì phí phạm. Nếu các anh chị đồng ý, tôi sẽ xin thầy giám học, dẫn cả lớp đi du ngoạn, tìm nơi nào yên tĩnh vừa vui chơi vừa giảng bài, được không? ”
        “ Đồng ý ! ”
        “ Hoan hô!”
        “ Hoan hô thầy !”
        Cả lớp nhao nhao phấn khích. Những khuôn mặt rạng rỡ, hớn hở reo mừng. Và chỉ mấy phút sau, cả lớp ào ra sân trường như bầy ong vỡ tổ.

TIN BUỒN

Vô cùng thương tiếc báo tin cùng quý thân hữu:
   
      Nhà văn - Nhà giáo HÙYNH KIM BỬU, (Thầy giáo dạy môn Việt Văn cho chúng tôi thời Trung học học Đệ Nhất Cấp, tại trường Trung học Quang Trung Bình Khê), sinh năm 1939 (Kỷ Mão) tại xã Nhơn An, huyện An Nhơn (nay là thị xã An Nhơn), sau thời gian bị bệnh hiểm nghèo đã tạ thế vào hồi 00 giờ 18 phút, ngày 15/02/2013 (nhằm ngày mồng 6 tháng giêng năm Quý Tỵ), hưởng thọ 75 tuổi.

     - Lễ viếng bắt đầu từ 14 giờ 00, ngày 15/02/2013 (mồng 6 tháng giêng năm Quý Tỵ).
     - Lễ di quan vào lúc 05 giờ 45, ngày 18/02/2013 (mồng 9 tháng giêng năm Quý Tỵ), tại tư gia: 162/32/18 Nguyễn Thái Học, TP. Quy Nhơn.
     - Lễ hạ huyệt lúc 07 giờ 00, ngày 18/02/2013 (mồng 9 tháng giêng năm Quý Tỵ).
      An táng tại quê nhà: thôn Tân Dương, xã Nhơn An, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định.

     Xin thành kính thắp nén tâm hương để kính tiễn thầy Huỳnh Kim Bửu về miền Lạc Quốc - An Bang!
     Thành kính chia buồn cùng cô Mận và Quý tang quyến.

    

Thứ Ba, 5 tháng 2, 2013

Rất mong sự thiệt nầy là cá biệt và hy hữu!

     Tôi có người bạn, có chức vụ thuộc "hàng chức sắc" ở một Công ty thuộc "hàng đại gia", là Công ty con của một tập đoàn cũng thuộc "hàng đại gia" trong lãnh vực "Đầu tư và Xây dựng". Với bề dày "hơn 35 năm Trưởng thành và Phát triển", Công ty này từng được Nhà Nước tưởng thưởng Huân chương Lao động hạng 3, từng ra quần đảo Trường Sa xây dựng các công trình phục vụ quốc phòng, từng sang Cambodia giúp bạn, từng ra Đồ Sơn xây dựng nhà khách cho Bộ Điện lực,....
     Bạn tôi vốn là người yêu thích văn thơ, đã có thơ đăng báo từ hồi trước  30/4/1975, đến hôm nay vẫn còn sở thích đó, và đã có bài đăng trên "Tạp chí Công Đoàn", Tập san "Quán Văn",... Ấy vậy mà hơn 2 tháng nay, nó biệt tăm, biệt tích trên chốn "văn thơ hồ". Hơi ngạc nhiên, mấy lần tôi gọi phone để hỏi thăm tin tức, được bạn cho biết hơn sáu tháng nay phải làm "công quả" cho Công ty, nghĩa là làm có "công" nhưng mà không có "lương". Vì Công ty phần thì không có việc làm, phần có việc làm thì bị chủ dự án không trả tiền vì không có tiền để trả, phần thì Công ty đã bị mất gần hết vốn chủ sở hữu, còn vay vốn thì ngân hàng và các tổ chức tín dụng không cho,... Cho nên không có "thực" thì "vực" được nổi cái gì?

     Không có việc làm thì công nhân nghỉ để làm việc nhà, mấy ông/bà Chief cũng lo làm việc cho mấy cái Công ty riêng của gia đình mấy ổng, mấy bã. Chỉ có mấy người dở "cán" dở "công" như bạn tôi, có bao nhiêu vốn liếng thì đã góp cổ phần vô công ty để có việc làm, bây giờ bán lại thì không ai mua mà rút ra thì công ty đã mất hết vốn. Đành phải "kiên cường" để những mong công ty qua cơn "bỉ cực" này sẽ kiếm được cái sổ hưu mà an dưỡng lúc tuổi già nên phải gắng mà "bám trụ".

     Có một cái quái lạ là khi lãnh đạo quản lý Công ty chung nầy thì mấy ông/bà Chief nào cũng vậy, lúc mới nhậm chức thì Cty luôn làm ăn có lãi, chia cổ tức đều đều cho cổ đông, nhưng vài, ba năm sau lại báo cáo thua lỗ, ăn thâm vào vốn, tiền cổ tức trước đây đã nhận là ăn vào cổ phần!. Thua lỗ, hụt vốn, phải thay Chief, Chief cũ về nhà mở Công ty riêng, Chief mới lên nắm quyền,  lại "bổn cũ soạn lại". Qua bốn, năm lần thay chân thế chỗ, đến ông Chief gần đây nhứt thì cụt hẳn vốn luôn, mặc dù được HĐQT gợi ý nhưng ông vẫn nhứt quyết không từ chức, bắt buộc HĐQT  phải "cho thôi giữ chức". Bị cho "thôi giữ chức" không những không buồn mà ông ta còn vui mừng, tung tăng, phấn khích, vì được "thoát nợ"; hễ có ai cật vấn hay đòi nợ hồ hởi chỉ cho chủ nợ đến gặp người kế nhiệm, đương chức, đương quyền chớ "tui giờ  đã hết quyền hành rồi"!. Chỉ tội cho ông Chủ tịch và Giám đốc mới lên thay - không nhận cũng không được vì họ đều là người của Đảng phải chấp hành sự phân công của tổ chức - phải lãnh đủ, phải trả những món "nợ" mà mình không "vay", không biết bao nhiêu nhà cung cấp, lao động thuê ngoài từ Nha Trang, Quảng Ngãi,... liên tục đến để chửi mắng, đòi nợ., thậm chí những món nợ từ 2, 3 năm trước đó. Đến nỗi có Chief phải âm thầm, lặng lẽ về Hà Nội mà thuộc cấp không hay!

      Người ta cứ kêu ca "Lỗ triền miên, giám đốc vẫn bình yên" , nhưng "thay thế", thậm chí "cách chức" như trường hợp trên đây thì phỏng có giải quyết được gì?!

     Có một điều kỳ dị nữa là lãnh đạo, quản lý, điều hành thì công ty cứ ngày càng đi xuống như vậy, nhưng nhà cửa của mấy ông/bà  Chief  luôn "trưởng thành và phát triển" phát triển từ ở phố về đến quê cha, đất tổ, rồi vươn tới cả chốn Sài thành "phú quý"! Đặc biệt lại càng tăng tốc khi "mất chức" rời công ty  về nhà lập công ty riêng của họ và gia đình, những công ty TNHH này mới thực sự "trưởng thành và phát triển"! Có đến cả hằng chục ông/bà với hằng chục cái Công ty TNHH như vậy.

      Được một điều tuyệt vời là công ty của bạn tôi vốn là công ty của Nhà Nước được cổ phần hóa nên có đầy đủ hệ thống chính trị - xã hội từ tổ chức cơ sở Đảng đến Công đoàn,... cho nên dẫu khó khăn là vậy nhưng tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội vẫn đảm bảo tuyệt đối.

      Mới đây, khi nghe tin BIDV “bơm” hơn 10.000 tỉ đồng cho HUD tôi liền gọi phone báo tin cho bạn, những tưởng nó sẽ vui mừng lắm, nhưng thấy giọng nó vẫn không có gì lạc quan. Hỏi làm sao không mừng với món tiền được "bơm" cực kỳ "vĩ đại" như vậy thế nào công ty mầy tuy là hàng "cháu chắt",  dù không được "múi" thì chí ít cũng có mấy cái "xơ" để trang trải chút ít trong khi tết đến, xuân về chớ. Mười nghìn tỉ đồng tương đương với nửa tỉ USD chớ bộ! Nó thản nhiên, ngần ấy thì đâu đến lượt bọn này!

      Thương bạn, tôi mới bày nó: "Mầy nghỉ hưu quách đi cho rồi, vì mầy cũng đã đến tuổi hồi hưu rồi!".  Nó: "Đã tính đến điều ấy. Nghỉ hưu thì được gần 4 chai/tháng, còn đi làm thì làm thì không lương. Người ta vô chùa làm "công quả" thì còn được "công đức" chớ mình đây đã làm "công quả" mà còn bị mắng là ngu. Nhưng nghiệt một nỗi là nghỉ hưu cũng không được, vì Công ty còn nợ tiền BHXH cả tỉ bạc!"

      Chỉ còn dăm bữa nữa là tới tết Quý Tỵ. Đường phố chỗ tôi ngụ đã giăng đèn, kết hoa, rực rỡ sắc màu những bandroll "Mừng đất nước đổi mới! Mừng Đảng Quang vinh! Mừng Xuân Quý Tỵ!". Mong sao cho bạn tôi có được đủ mấy cái mừng đó! Và cũng rất mong sao sự thiệt nầy là cá biệt và hy hữu xảy ra trên đất nước ta!