“ 2. Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức tuyên truyền bằng miệng, bằng bản viết, in, hoặc dưới hình thức nghệ thuật, thông qua bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào tuỳ theo sự lựa chọn của họ.
3. Việc thực hiện những quyền quy định tại khoản 2 điều này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó, việc này có thể phải chịu một số hạn chế nhất định, tuy nhiên, những hạn chế này phải được quy định trong pháp luật và là cần thiết để:
a) Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác,
b) Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức của xã hội."
(Điều 19. Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, LHQ biểu quyết năm 1966, VN ký và tham gia ngày 24/9/1982).
Biết được sự thiệt tuy khó, nhưng còn khả dĩ; nói rõ được sự thiệt hầu như bất khả !"... ĐÃ XA RỒI CÁI THỜI MÀ AI NÓI RA ĐIỀU GÌ CŨNG SỢ BỊ PHÊ PHÁN MẤT LẬP TRƯỜNG, CẢ XÃ HỘI BỊ ÉP SỐNG TRONG CÁI VỎ ĐẠO ĐỨC GIẢ, TỪ TRÊN XUỐNG DƯỚI, NÓI THÌ RẤT HAY, NHƯNG LÀM THÌ NGƯỢC LẠI..." (GS Hoàng Tụy)
Suy gẫm hôm nay: "VẪN BIẾT SỐNG LÀ HƯỚNG ĐẾN TƯƠNG LAI, NHƯNG QUÁ KHỨ LÀ TẤM GƯƠNG NÊN SOI LẠI!"

Thứ Năm, 23 tháng 6, 2011

Nhạc sĩ Phạm Đình Chương

NHẠC SĨ PHỔ THƠ HAY NHẤT
CỦA ÂM NHẠC VN
 
        Nói đến nhạc sĩ Phạm Đình Chương là nói đến những nhạc phẩm tình ca lãng mạn được sáng tác từ thời tiền chiến cho đến giờ. Đa số nhạc phẩm do ông sáng tác được phổ từ thơ. Khi soạn nhạc ông ký bút hiệu Phạm Đình Chương, còn đi hát, ông có tên gọi ca sĩ Hoài Bắc. Ông có giọng trầm và dội, nhừa nhựa như phảng phất men rượu và khói thuốc nên càng thêm gợi cảm.
        Nếu ai có dịp nghe ông hát trong một quán rượu về khuya, tay cầm ly rượu và điếu thuốc nghi ngút khói, hát một mình bằng một giọng hát ngỡ như khét lẹt vì khói thuốc nhưng lại được dập tắt bởi rượu và ngoài kia tiếng súng xa vọng về, lúc đó  mới cảm nhận được cái hay độc đáo của giọng hát Hoài Bắc.
        Sơ lược về thân thế:
        Phạm Đình Chương (1929 – 1991) là một nhạc sĩ tiêu biểu của dòng nhạc tiền chiến và là một tên tuổi lớn của tân nhạc Việt Nam.
        Phạm Đình Chương sinh ngày 14 tháng 11 năm 1929 tại Bạch Mai, Hà Nội. Quê nội ông ở Hà Nội và quê ngoại ở Sơn Tây. Xuất thân trong một gia đình truyền thống âm nhạc, thân phụ của Phạm Đình Chương là ông Phạm Đình Phụng. Người vợ đầu của ông Phụng sinh được 2 người con trai:Phạm Đình Sỹ và Phạm Đình Viêm. Phạm Đình Sỹ lập gia đình với nữ kịch sĩ Kiều Hạnh và có con gái là ca sĩ Mai Hương. Còn Phạm Đình Viêm là ca sĩ Hoài Trung của ban hợp ca Thăng Long.
        Người vợ sau của ông Phạm Đình Phụng có 3 người con: trưởng nữ là Phạm Thị Quang Thái, tức ca sĩ Thái Hằng, vợ nhạc sĩ Phạm Duy. Con trai thứ là nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Và cô con gái út Phạm Thị Băng Thanh, tức ca sĩ Thái Thanh.
        Từ nhỏ Phạm Đình Chương được nhiều người chỉ dẫn về nhạc lý, nhưng phần lớn ông vẫn tự học là chính. Như bao nhiêu chàng trai Hà nội yêu nước khác, ông theo kháng chiến chống Pháp ngay từ lúc ban đầu. Bốn anh em Phạm Đình Viêm, Phạm thị Quang Thái, Phạm Đình Chương và Phạm thị Băng Thanh đều gia nhập ban văn nghệ Quân đội ở Liên Khu IV để từ đó thành tên Ban hợp ca Thăng Long.
        Nhạc sĩ Phạm Đình Chương bắt đầu sáng tác âm nhạc vào năm 1947, lúc mới 18 tuổi, nhưng phần nhiều nhạc phẩm của ông thường được xếp vào dòng tiền chiến bởi mang phong cách trữ tình lãng mạn. Các nhạc phẩm đầu tiên như Ra Đi Khi Trời Vừa Sáng, Hò Leo Núi… đều có không khí hùng tráng tươi trẻ.
        Năm 1951, nhạc sĩ Phạm Đình Chương cùng gia đình chuyển vào miền Nam sinh sống, rồi tái lập lại Ban hợp ca Thăng Long để hoạt động. Thời kỳ này các sáng tác của ông thường mang âm hưởng miền Bắc như nói lên tâm trạng hoài hương của mình như các nhạc phẩm : Khúc giao duyên, Thằng Cuội, Được mùa, Tiếng dân chài… Thời gian sau, ông viết nhiều bản nhạc nổi tiếng và vui tươi hơn : Xóm đêm, Đợi chờ, Ly rượu mừng, Đón xuân…
        Có thể nói Phạm Đình Chương là một trong những nhạc sĩ phổ thơ hay nhất. Nhiều bản nhạc phổ thơ của ông đã trở thành những bài hát bất hủ, có một sức sống riêng như Đôi mắt người Sơn Tây (thơ Quang Dũng), Mộng dưới hoa (thơ Đinh Hùng), Nửa hồn thương đau (thơ Thanh Tâm Tuyền), Đêm nhớ trăng Sài Gòn (thơ Du Tử Lê)… Nhạc sĩ Vũ Thành đã có lần nhận xét rằng phổ thơ như Phạm đình Chương từ bài thơ “Tự Tình Dưới Hoa“ của Đinh Hùng thành “Mộng Dưới Hoa“ là việc hình thành một “tuyệt tác đáng phục“. Nhạc sĩ khéo léo phổ toàn bộ bài thơ với một ngôn ngữ óng mượt trữ tình và kỹ thuật chuyển âm tuyệt diệu. Nhất là, chất lãng mạn được giữ nguyên nếu không nói là tăng thêm bội phần.

Chưa gặp em anh vẫn nghĩ rằng
Có nàng thiếu nữ đẹp như trăng
Mắt xanh là bóng dừa hoang dại
Âu yếm nhìn anh không nói năng ... 
       Vết sẹo định mệnh:
        Vào những năm 1960 thế kỷ trước, báo chí Sài Gòn đã hao tốn rất nhiều giấy mực đăng nhiều kỳ vụ nhạc sĩ Phạm Đình Chương ly dị vợ là nữ ca sĩ Khánh Ngọc. Tòa án xét xử nhiều lần chưa xong, vì thế vụ việc càng làm cả hai trở nên nổi tiếng, theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen.
        Bởi lúc đó, ban hợp ca Thăng Long đang nổi đình đám nhất trong sinh hoạt ca vũ nhạc kịch thời bấy giờ, lúc ấy “nhóm Thăng Long” bao gồm nhiều nghệ sĩ nổi danh như Hoài Trung, vợ chồng ca sĩ Thái Hằng – Phạm Duy, ca sĩ Thái Thanh, vợ chồng ca nhạc sĩ Phạm Đình Chương (Hoài Bắc) – Khánh Ngọc. Nếu không kể đến người chị dâu Kiều Hạnh cũng là một nữ kịch sĩ đang được ái mộ trên các sân khấu thoại kịch.
        Trước đó nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã nghe phong thanh Khánh Ngọc ngoại tình. Nhưng vì tình yêu nên ông vẫn tin tưởng vợ và bỏ ngoài tai tất cả. Chỉ đến khi một số người bạn dẫn ông đến khu Nhà Bè thì sự việc mới đổ bể.  Báo chí Sài Gòn biết rất nhanh, và vụ " Nhà Bè” được các báo khai thác triệt để bởi vợ chồng Phạm Đình Chương và “thủ phạm” là những người nổi tiếng, mọi người mới biết kẻ trong cuộc gây ra chuyện này không ai xa lạ, chính là người anh rể của ông.
        Ðó là một chia tay bất ngờ, không thể oan trái hơn, giữa ông và nữ ca sĩ Khánh Ngọc.
        Thảm kịch với sức chấn động và, dư chấn dội lại dài lâu từ dư luận, thân, tâm, đã dập tắt mọi tiếng cười. Khóa chặt mọi nẻo đường dẫn tới tiếng hát.
        “Thăng Long”’ bị chôn sống sau địa chấn.
Nhà văn Mai Thảo kể, rời bỏ đầu tiên khỏi “bản doanh” đại gia đình Thăng Long ở đường Bà Huyện Thanh Quan là Phạm Duy và Thái Hằng. Phần còn lại gồm cả “Bà mẹ Thăng Long” (thân mẫu nhạc sĩ Phạm Ðình Chương), dọn về một ngôi nhà nhỏ ở đường Võ Tánh.
        Ðó là thời gian họ Phạm sống những ngày gần như cắt đứt mọi liên hệ xã hội. Ông chỉ tiếp xúc với một số bằng hữu thân thiết, giới hạn.
        Vẫn theo lời kể của nhà văn Mai Thảo, đang từ một “tay chơi” một “star,” thần tượng của giới trẻ thời đó, Phạm Ðình Chương đã lột xác thành kẻ khác.
        Ông thay đổi hoàn toàn. Từ sự không còn một chút để ý quần áo, ăn mặc, tới sự tắt ngấm nụ cười. Ông trở thành một người không chỉ kiệm lời, đôi khi còn bẳn gắt nữa.
        “Nhiều khi cả ngày Hoài Bắc không mở miệng… Nhưng số anh em thân, vẫn lui tới, không bảo nhau, chúng tôi tôn trọng sự im lặng của Hoài Bắc. Chúng tôi tìm mọi cách, nghĩ đủ mọi chuyện chỉ với mục đích sao cho bạn vui. Bạn có thể có lại nụ cười…”
        Sự thực dư chấn của thảm kịch đã giảm thiểu mọi hoạt động của nhạc sĩ Phạm Ðình Chương một thời gian khá dài. Nó như một dấu lặng (bất thường) trong âm nhạc!
        Nếu tính từ 1960 tới 1966 thì đó là thời gian họ Phạm viết được một số ca khúc, đến nay vẫn còn được nhiều người yêu thích, như “Mộng dưới hoa” (thơ Ðinh Hùng), “Buồn đêm mưa” (thơ Huy Cận); “Mầu kỷ niệm” (ý thơ Nguyên Sa,); “Mắt buồn” (thơ Lưu Trọng Lư) hay “Mưa Saigon mưa Hà Nội” (viết chung với Hoàng Anh Tuấn), “Xóm đêm” (nhạc và lời Phạm Ðình Chương)…
        Sau đấy, ở hai năm kế tiếp là hai ca khúc, họ Phạm phổ hai đoạn thơ trong một bài thơ dài, nhan đề “Bài ngợi ca tình yêu” của Thanh Tâm Tuyền. Hai đoạn thơ trở thành ca khúc đó, là “Bài ngợi ca tình yêu” và “Ðêm mầu hồng.” Ông bị chú:
        “Vừa viết xong (ca khúc “Ðêm mầu hồng”) thì anh em mời cộng tác mở một phòng trà ca nhạc trên đường Tự Do Saigon. Bèn lấy tên bài ca đặt thành phòng trà này.” Ðó là năm 1968. 
        Còn những ca khúc như “Người đi qua đời tôi” (thơ Trần dạ Từ) và “Khi cuộc tình đã chết” (thơ Du Tử Lê) đều được họ Phạm soạn thành ca khúc năm 1969. Và, một năm sau, tức năm 1970, mới là “Nửa hồn thương đau” (nhạc và có thêm phần lời của Phạm Ðình Chương.)
        Nhìn lại giai đoạn “hậu địa chấn” bi kịch vùi dập đời riêng của họ Phạm, kể từ cuối thập niên (19)50 tới 1967, những người theo dõi sáng tác của ông trong giai đoạn này, hầu như không tìm thấy một ca từ nào mang tính kết án, nguyền rủa hay, thù oán… Mà trái lại.
        Như khi ông phổ nhạc bài thơ “Một mùa đông” của Lưu Trọng Lư – Với tựa mới là “Mắt buồn” thì, ca từ “nặng” nhất trong ca khúc này, cũng chỉ là “Ðôi mắt em lặng buồn / nhìn nhau mà lệ ứa / một ngày một cách xa / một ngày một cách xa…” Hoặc tin tưởng (hy vọng) một cuộc sống bớt “đìu hiu” trong những ngày “sống thêm,” như: “Ai chia tay ai đầu xóm vắng im lìm / ai rung lên tia mắt ngàn câu êm đềm / mong sao cho duyên nghèo mai nắng reo thềm / đẹp kiếp sống thêm / màn đêm tịch liêu / xa nghe ai thoáng ru câu mến trìu / nghe không gian tiếng yêu thương nhiều / hứa cho đời thôi đìu hiu.” (Trích “Xóm đêm”)
        Ngay với ca khúc tựa đề “Người đi qua đời tôi” thì họ Phạm cũng đã chọn câu thơ như một câu hỏi, có thể làm nao lòng người nghe là: “Em đi qua đời anh / không nhớ gì sao em?”
        Hoặc ca khúc có nhan đề khá “dữ dằn” là “Khi cuộc tình đã chết” thì họ Phạm cũng chỉ chọn những câu thơ “nặng nề” nhất là: “Khi cuộc tình đã chết / còn mắt nào cho nguôi / đời đã đành chia đôi…” Phản ảnh tinh thần chấp nhận, không than oán. Không trách cứ.
        Ngay ca khúc “Nửa hồn thương đau” được dư luận nhắc tới, bàn tán nhiều nhất và, đề quyết rằng, họ Phạm viết ca khúc này nhằm gửi tới người bạn đời đã chia tay trong quá khứ của ông thì, “đỉnh điểm” của ca từ cũng chỉ là những câu hỏi ném ngược về quá khứ. Như một tỏ-tình- với-dĩ-vãng. Một nâng-niu-vết-sẹo-định-mệnh: “Nhắm mắt ôi sao nửa hồn bỗng thương đau / ôi sao ngàn trùng mãi xa nhau / hay ta còn hẹn nhau kiếp nào? / Anh ở đâu? / Em ở đâu?” (Lời hoàn toàn của Phạm Ðình Chương.)
        Những ca từ nêu trên, đã cho thấy, đã phản ảnh trung thực tính nhân ái, lòng bao dung, độ lượng của họ Phạm.Từ góc độ này, có người đã kết luận, nhạc sĩ Phạm Ðình Chương không chỉ lớn lao ở tài năng, mà ông còn lớn lao ở phong cách đối mặt với thảm kịch và, ăn ở với người, với đời nữa.
         Phạm Đình Chương đã hoàn thành sứ mạng nghệ thuật âm nhạc và ra đi vĩnh viễn vào ngày 22 tháng 8 năm 1991 tại vùng đất lưu lại bước chân phong trần cuối cùng của ông là California, Hoa Kỳ.
         Không có sự từ biệt của nghệ sĩ nào mà không để lại sự mất mát cho đời, huống chi Phạm Đình Chương vốn là một nhà sáng tác lớn thì sự mất mát đối với nền nghệ thuật âm nhạc của Việt Nam lại càng to lớn và còn mang theo những nỗi tiếc thương gấp bội khó lòng nguôi ngoai (Để coi nguyên bổn: click vô đây).
Minh Xuân- Vietinfo.eu
 sưu tầm và biên tập.
(Bài viết sử dụng nhiều trích đoạn của nhà thơ Du Tử Lê)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Dùng mã code dưới đây để chèn nguồn từ bên ngoài vào comment:

Link : <a href="Link URL">CLICK HERE </a>
Hình ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
Youtube clip : [youtube]Link video từ yotube[/youtube]