Nhân mùa thi vô đại học đang đến, để góp phần "tư vấn mùa thi", tớ xin giới thiệu một ngành học rất có triển vọng (đồng chí đương kim Tổng Bí thư Đảng ta là Tiến sĩ ngành này đấy), mà có lẽ chưa được nhiều người biết, đó là Ngành Xây dựng Đảng và Chính quyền Nhà nước:
Ngành đào tạo: XÂY DỰNG ĐẢNG VÀ CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC
Trình độ đào tạo: Đại học
Thời gian đào tạo: 4 năm
MỤC TIÊU ĐÀO TẠO
Mục tiêu tổng quát
Đào tạo cử nhân khoa học Chính trị có phẩm chất chính trị và đạo đức tốt, có ý thức phục vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân; có kiến thức cơ bản, chuyên sâu về ngành Xây dựng Đảng và Chính quyền Nhà nước; có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và sức khoẻ để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Mục tiêu cụ thể.
- Có lập trường giai cấp công nhân vững vàng, trung thành với Đảng, Nhà nước và chủ nghĩa xã hội. Nhạy bén về chính trị, gắn lý luận với đường lối của Đảng, thực tiễn cách mạng và đời sống xã hội. Có phẩm chất và lối sống lành mạnh.
- Có kiến thức cơ bản, chuyên sâu về ngành Xây dựng Đảng và Chính quyền Nhà nước. Sau khi tốt nghiệp có thể làm công tác giảng dạy ở các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, các trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức ở các bộ, ban, ngành, các trường chính trị - hành chính ở địa phương; Đồng thời có khả năng vươn lên để được đào tạo ở các trình độ cao hơn.
- Có khả năng nắm bắt các vấn đề chính trị - xã hội nảy sinh trong thực tiễn. Có năng lực tham gia nghiên cứu khoa học về Đảng và Nhà nước.
- Am hiểu nghiệp vụ và biết thực hành công tác xây dựng Đảng và xây dựng chính quyền Nhà nước. Có khả năng soạn thảo các văn bản, các phương án công tác, sử dụng thành thạo tin học phục vụ cho công tác lãnh đạo, quản lý.
- Có đủ sức khoẻ để hoàn thành tốt công việc được giao.
CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO
Danh mục học phần bắt buộc
Kiến thức giáo dục đại cương | |||
1 | Triết học Mác - Lênin | 9 | Nguyên lý quản lý kinh tế |
2 | Kinh tế chính trị Mác – Lênin | 10 | Lịch sử Việt nam |
3 | Chủ nghĩa xã hội khoa học | 11 | Văn học Việt Nam |
4 | Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam | 12 | Ngoại ngữ |
5 | Tư tưởng Hồ Chí Minh | 13 | Tin học đại cương |
6 | Xã hội học đại cương | 14 | Giáo dục Thể chất |
7 | Chính trị học đại cương | 15 | Giáo dục Quốc phòng |
8 | Giáo dục học đại cương | ||
Kiến thức giáo dục chuyên nghiệp | |||
a. Kiến thức cơ sở của ngành | |||
1 | Lịch sử phong trào cộng sản và công nhân quốc tế | 3 | Lịch sử xây dựng các đảng chính trị |
2 | Cơ sở văn hoá Việt Nam | 4 | Lịch sử xây dựng chính quyền nhà nước |
b. Kiến thức ngành | |||
1 | Học thuyết Mác-Lênin, Tư tưởng HCM về Đảng và xây dựng Đảng Cộng sản. | 5 | Phương pháp nghiên cứu và giảng dạy xây dựng Đảng |
2 | Xây dựng Đảng về chính trị | 6 | Lý luận Nhà nước và pháp luật |
3 | Xây dựng Đảng về tư tưởng | 7 | Quản lý hành chính nhà nước Việt Nam |
4 | Xây dựng Đảng về tổ chức | 8 | Phương pháp nghiên cứu và giảng dạy môn học Quản lý Nhà nước |
Nội dung các học phần bắt buộc (Phần Kiến thức giáo dục chuyên nghiệp)
Lịch sử phong trào cộng sản và công nhân quốc tế
Giúp sinh viên nghiên cứu những quy luật lịch sử chính trị của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế (từ khi xuất hiện giai cấp công nhân cho tới ngày nay) và bạn đồng minh của nó là phong trào giải phóng dân tộc. Đó là quy luật về sự phát triển từ tự phát đến tự giác của phong trào công nhân; về đấu tranh giai cấp của giai cấp công nhân để tự giải phóng mình và giải phóng xã hội; về sự xuất hiện của chính đảng vô sản và quyền lãnh đạo của đảng cộng sản; về sự đoàn kết thống nhất của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế gắn liền với cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội hữu và tả trong phong trào.
Học phần bao gồm các nội dung: Đối tượng và phương pháp nghiên cứu môn Lịch sử phong trào cộng sản và công nhân quốc tế; Phong trào đấu tranh độc lập đầu tiên của giai cấp công nhân và sự xuất hiện của Chủ nghĩa Mác; Cách mạng 1848 -1849 ở châu Âu và sự ra đời Quốc tế I; Công xã Pari (1871) và Quốc tế II; Sự xuất hiện Chủ nghĩa Lênin và hai cuộc cách mạng dân chủ tư sản Nga; Quốc tế cộng sản và vai trò lịch sử của nó; Cách mạng tháng Mười Nga (1917); Phong trào giải phóng dân tộc cuối thế kỷ XIX đến nửa cuối thế kỷ XX; Phong trào cộng sản quốc tế từ 1991 đến nay; Cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, xét lại, bảo vệ sự trong sáng của Chủ nghĩa Mác - Lênin.
Cơ sở văn hoá Việt Nam
Trang bị cho sinh viên một cách cơ bản, hệ thống những tri thức về ngành văn hoá nói chung, văn hoá Việt Nam nói riêng: văn hoá và văn hoá học; chủ thể và khách thể văn hoá Việt Nam; văn hoá với môi trường tự nhiên, môi trường xã hội; đơn vị và cấu trúc văn hoá; chức năng, cầu trúc, vai trò của văn hoá; các giai đoạn phát triển văn hoá Việt Nam.
Lịch sử xây dựng các đảng chính trị
Bao gồm các nội dung: Khái niệm về đảng chính trị, quá trình hình thành và phát triển của đảng chính trị trong lịch sử; Đặc điểm của đảng chính trị cầm quyền trên thế giới; Các loại đảng chính trị và bản chất của các loại đảng chính trị; Đặc điểm cụ thể của một số đảng chính trị cầm quyền điển hình ở một số nước tiêu biểu: Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, Cộng hoà Pháp, Vương quốc liên hiệp Anh và Bắc Ailen, Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Lịch sử xây dựng chính quyền nhà nước
Nghiên cứu sơ lược lịch sử xây dựng chính quyền nhà nước trên thế giới và đi sâu nghiên cứu toàn bộ quá trình xây dựng và những đặc điểm cơ bản của chính quyền nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử từ khi dựng nước tới nay. Học phần bao gồm những nội dung: Sơ lược lịch sử xây dựng chính quyền nhà nước trên thế giới (phương Đông, phương Tây); Chính quyền nhà nước qua các thời kỳ: thời Hùng Vương, thời kỳ Bắc thuộc, thời độc lập tự chủ, thời Pháp thuộc, Chính quyền nhà nước kiểu mới (từ 1945 đến nay).
Học thuyết Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng và xây dựng Đảng Cộng sản
Trình bày các nguyên lý chung về Đảng và xây dựng Đảng cộng sản. Khẳng định tính đúng đắn của các nguyên lý về Đảng và xây dựng Đảng của Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ sự trong sáng của lý luận Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, chống lại sự xuyên tạc của các thế lực thù địch. Đồng thời bổ sung lý luận về Đảng và xây dựng Đảng cộng sản trong thời kỳ mới.
Học phần bao gồm các nội dung sau: C. Mác - Ph. Ănghen và xây dựng chính đảng độc lập của giai cấp công nhân; Lênin về xây dựng Đảng vô sản kiểu mới.; Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam; Bản chất giai cấp công nhân và tính tiên phong của Đảng.
Xây dựng Đảng về chính trị
Cung cấp cho sinh viên lý luận Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng ta về chính trị và xây dựng Đảng về chính trị. Đồng thời giúp họ nắm vững cơ sở, căn cứ, điều kiện, nội dung, quy trình xây dựng và tổ chức thực hiện các nghị quyết của Đảng.
Học phần bao gồm các nội dung sau: Vị trí, tầm quan trọng của xây dựng Đảng về chính trị.; Cương lĩnh và Điều lệ Đảng; Quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện nghị quyết Đảng.
Xây dựng Đảng về tư tưởng
Cung cấp cho sinh viên các nguyên lý, nguyên tắc của Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng ta về tư tưởng và xây dựng Đảng về tư tưởng. Đồng thời giúp họ nắm vững nội dung, hình thức, phương pháp xây dựng Đảng về tư tưởng của Đảng ta hiện nay.
Học phần bao gồm các nội dung sau: Vị trí, tầm quan trọng xây dựng Đảng về tư tưởng; Quan điểm Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng về tư tưởng; Nội dung, hình thức, phương pháp xây dựng Đảng về tư tưởng.
Xây dựng Đảng về tổ chức
Cung cấp kiến thức cơ bản về chức năng, nhiệm vụ, phương thức hoạt động của tổ chức cơ sở đảng; quan điểm, nội dung, phương pháp xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên; phương thức lãnh đạo của Đảng; phong cách làm việc của cán bộ lãnh đạo, quản lý đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ chính trị trong từng thời kỳ của cách mạng.
Phương pháp nghiên cứu, giảng dạy Xây dựng Đảng
Giới thiệu mục tiêu, nguyên tắc, phương châm, hình thức, phương pháp dạy học các môn học Xây dựng Đảng ở trình độ đại học. Hình thành kỹ năng dạy học, nghiên cứu khoa học, rèn luyện phong cách làm việc của người giảng viên Xây dựng Đảng.
Học phần bao gồm các nội dung sau: Soạn thảo bài giảng Xây dựng Đảng; Phương pháp Xêmina Xây dựng Đảng; Phương pháp thực hiện đề tài khoa học Xây dựng Đảng; Nghiên cứu thực tế của giảng viên Xây dựng Đảng; Phương pháp tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả các môn học Xây dựng Đảng; Các hình thức học tập bổ sung; Hướng dẫn thực hiện môn học Xây dựng Đảng theo chương trình trung cấp chính trị.
Lý luận Nhà nước và pháp luật
Giới thiệu những vấn đề lý luận chung nhất về nhà nước và pháp luật: Đối tượng, phương pháp nghiên cứu của lý luận nhà nước và pháp luật; Nguồn gốc, bản chất của nhà nước và pháp luật; Dấu hiệu nhà nước; Các kiểu và hình thức nhà nước và pháp luật; Nhà nước và pháp luật Xã hội chủ nghĩa; Nhà nước và pháp luật nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Quản lý hành chính nhà nước Việt Nam
Nghiên cứu một số vấn đề chung về quản lý hành chính nhà nước như: Khái niệm quản lý hành chính nhà nước, nền hành chính nhà nước; Công cụ, hình thức và phương pháp trong quản lý hành chính nhà nước; Các chức năng quản lý hành chính nhà nước; Các yếu tố cấu thành nền hành chính nhà nước như thiết chế hành chính, thể chế hành chính, nhân sự trong hệ thống hành chính nhà nước; Vấn đề cải cách nền hành chính nhà nước và quản lý nhà nước đối với một số lĩnh vực kinh tế, giáo dục - đào tạo, y tế; Quản lý nhà nước về văn hoá và tôn giáo; Quản lý nhà nước về an ninh quốc phòng.
Phương pháp nghiên cứu và giảng dạy môn học Quản lý nhà nước
Giúp sinh viên nắm vững phương pháp soạn bài giảng, phương pháp điều khiển Xêmina cũng như phương pháp nghiên cứu thực hiện một đề tài khoa học môn học quản lý nhà nước.
Trường này e rằng sẽ ít người học, không phải vì nó khó bác Châu ơi, vì nó phải thi tuyển mà.
Trả lờiXóaGiờ đại học tư thục mở ra nhiều, người ta chỉ coi xem có đi thi đại học không rồi mời vào học liền.
Thiển kiến, thiển kiến <<==
Được một cái ngành này sẽ có rất nhiều triển vọng và cơ hội để thăng tiến!
Trả lờiXóaTiếc một điều là tớ mới biết ngành học này, nếu biết được sớm hơn, lối 7,8 năm trước, thì tớ đã quyết tâm cho các con tớ thi tuyển vào ngành này rồi.