Mấy hôm nay một số trang mạng đưa tin nhà văn Võ Phiến hoặc Tràng Thiên là bút danh của Thầy Ðoàn Thế Nhơn
- nhà văn ở miền Nam trước năm 1975 đã qua đời vào lúc 7 giờ tối Thứ Hai 28 tháng 9 năm 2015, tại bang
California - Hoa Kỳ, hưởng thọ 90 tuổi.
CÁO PHÓ của gia đình
nhà văn Võ Phiến (Đoàn Thế Nhơn)
Mặc dầu tùy bút
và tạp văn của ông đã được Nhà nước VN
XHCN cho xuất bản 2 tác phẩm là Quê hương tôi và Tạp văn Tràng Thiên, dưới bút hiệu Tràng Thiên, nhưng, theo
báo “Nhân Dân”, “Cơ quan Trung ương của đảng Cộng sản Việt Nam, Tiếng nói của
Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam” thì “Văn
nghiệp của Võ Phiến khá phức tạp …”.
Kẻ nói nầy,
người nói khác, “bỉ viết thị, thử viết phi”, nhưng nói gì thì nói, ông vẫn là
một nhà văn nổi danh, khá nhiều người biết tiếng. Đối với tôi, so với những
người đồng trang lứa, là một trong số, có lẽ không nhiều, người biết đến ông sớm nhứt. Biết
đến ông khi tôi vừa 6, 7 tuổi, tôi biết
đến ông, không phải là một nhà văn mà là Thầy giáo Đoàn Thế Nhơn.
Chuyện là như vầy. Tuy không phải là đích tôn của ông
Cố, ông Nội, nhưng tôi là đứa cháu trai lớn nhứt nên gia đình rất quan tâm chăm
sóc. Riêng việc học chữ, từ vỡ lòng đến lớp Tư (lớp 2 bây giờ) gia đình tự chỉ
dạy và cho đến học ở nhà một ông giáo làng, cách nhà khoảng 200 mét, chớ không
cho đến trường. Cho nên, khi biết đọc, biết viết, tôi chỉ được đọc sách báo có ở
nhà. Được một cái, về báo thì Ba tôi đặt báo tháng, tờ nhựt báo (ở nhà kêu là
“nhựt trình”) “Cách mạng Quốc gia”, hồi đó tôi không quan tâm gì đến tin tức,
xã luận mà chỉ thích truyện “Phong Thần”, “Lỗ Bình Sơn” và truyện trinh thám
của Phạm Cao Củng, ... Về tạp chí thì có tuần san (hay bán nguyệt san hoặc
nguyệt san, tôi không nhớ chánh xác) “Hương quê”, với những truyện ngắn của
Bình - nguyên Lộc, với những phóng sự về cuộc sống, sanh hoạt của đồng bào “Nam
kỳ - Lục tỉnh” của Trường Cao Phong, … Về báo ảnh thì có “Thế giới tự do”, được
phát không, do Ba tôi, nhờ làm công tác Thông tin mà có được, đưa về, … Về
sách vở của Bác và Ba tôi để lại khá nhiều, đa phần là sách vở bằng giấy “củ lang”, loại giấy sản xuất bằng thủ
công, thô, nhám như “bánh tráng củ lang”, trong thời kháng chiến. Ấn tượng nhứt
là mấy quyển vở học môn Quốc văn của Bác tôi có ghi “Thầy: Đoàn Thế Nhơn, Trò:
Trần Minh Triết”. Tôi ấn tượng và còn nhớ mãi đến bây giờ là do ở đó có mấy bài
bình giảng về tác phẩm “AQ Chính truyện của Lỗ Tấn”. Bây giờ biết rồi thì
không thấy lạ chớ hồi đó AQ, một cái tên thấy rất là kỳ, tôi phải hỏi Ba tôi,
được ông cho biết đó là tên của 1 tác phẩm của 1 ông nhà văn Ba Tàu.
Đấy, tôi biết về Thầy giáo Đoàn Thế Nhơn là như vậy. Sau
này mới biết thêm ông là công chức khi ông đảm nhận chức vụ Trưởng Ty Thông tin
Bình Định lúc Ba tôi làm nhơn viên ngành Thông tin của Chánh quyền VNCH. Rồi sau
nữa là “nhà văn”, là “gián điệp”, là “biệt kích”,… đến lúc nầy thì nhiều người
biết nhiều và biết rõ hơn tôi rất nhiều! …
Bây giờ, ông vừa qua đời thì người học trò học môn
Quốc văn của ông, khi ông dạy học ở trường
Trung học Bình dân thời Việt Minh, là Bác tôi đã mãn phần hơn 4 năm!
Xin được thắp một nén tâm nhang để kính vĩnh biệt Thầy
Đoàn Thế Nhơn!
Nguyện cho Hương linh Cụ Phật tử Pháp danh Nhật Trí được Vãng sanh về Phật quốc!
Nguyện cho Hương linh Cụ Phật tử Pháp danh Nhật Trí được Vãng sanh về Phật quốc!
Hai, ba năm dạy ở "Trung học Bình Dân Liên khu V", tiền thân của Đại học Phạm Văn Đồng" ngày nay, thầy đã dạy ít nhứt cũng vài trăm cán bộ cho Việt Minh, bây giờ là của đảng và nhà nước ta.
Trả lờiXóaHọc trò của Thầy, bây giờ chắc đã nhiều người về với cụ Hồ, cụ Mác, cụ Lê hoặc chí ít cũng về với ông bà, như Bác tui.
Nhờ Bác tui, tui mới biết Thầy, qua đó tui mới biết "AQ", mói biết "Lỗ Tấn", mới biết "bình giảng văn chương". Với tinh thần "Tôn Sư Trọng Đạo" tui có mấy lời để tiễn Thầy về với cõi vô biên!
Mô Phật!