“ 2. Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức tuyên truyền bằng miệng, bằng bản viết, in, hoặc dưới hình thức nghệ thuật, thông qua bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào tuỳ theo sự lựa chọn của họ.
3. Việc thực hiện những quyền quy định tại khoản 2 điều này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó, việc này có thể phải chịu một số hạn chế nhất định, tuy nhiên, những hạn chế này phải được quy định trong pháp luật và là cần thiết để:
a) Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác,
b) Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức của xã hội."
(Điều 19. Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, LHQ biểu quyết năm 1966, VN ký và tham gia ngày 24/9/1982).
Biết được sự thiệt tuy khó, nhưng còn khả dĩ; nói rõ được sự thiệt hầu như bất khả !"... ĐÃ XA RỒI CÁI THỜI MÀ AI NÓI RA ĐIỀU GÌ CŨNG SỢ BỊ PHÊ PHÁN MẤT LẬP TRƯỜNG, CẢ XÃ HỘI BỊ ÉP SỐNG TRONG CÁI VỎ ĐẠO ĐỨC GIẢ, TỪ TRÊN XUỐNG DƯỚI, NÓI THÌ RẤT HAY, NHƯNG LÀM THÌ NGƯỢC LẠI..." (GS Hoàng Tụy)
Suy gẫm hôm nay: "VẪN BIẾT SỐNG LÀ HƯỚNG ĐẾN TƯƠNG LAI, NHƯNG QUÁ KHỨ LÀ TẤM GƯƠNG NÊN SOI LẠI!"

Thứ Ba, 1 tháng 11, 2011

Những bức tượng bí ẩn ở Việt Nam

(do Nguyễn Thị Minh Tùng, ở USA, sưu tầm và "nhắn gởi"
Cảm ơn sự đóng góp của Minh Tùng)
Nhiều pho tượng với hình thù bí ẩn, khác lạ liên quan đến các tình tiết kì bí trong lịch sử Việt Nam. Tới nay không phải bức tượng nào cũng có được lời giải mã để người đời có thể tâm phục khẩu phục.
 Tượng rồng miệng cắn thân, chân xé mình
Pho tượng này hiện đặt tại điện thờ phía ngoài đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh ở thôn Bảo Tháp, Đông Cứu, Gia Bình, Bắc Ninh. Pho tượng được phát hiện cách đây 20 năm, nặng gần ba tấn với một hình dánh rồng hết sức lạ kì được tạc theo thế miệng cắn thân, chân xé mình với những đường chạm trổ hết sức công phu và tinh xảo. Trước khi được phát hiện, pho tượng được chôn sâu dưới lòng đất ngay trước cửa ngôi đền thờ Lê Văn Thịnh. 
 Theo giới nghiên cứu, đây là pho tượng rồng độc đáo chưa từng thấy trong hình ảnh rồng Việt qua các thời kỳ lịch sử và cũng gần như chưa từng xuất hiện trong khu vực Đông Nam Á. Xung quanh pho tượng kỳ dị này còn tồn tại nhiều điều bí ẩn chưa được giải mã. Nếu mới nhìn vào tượng rồng không ít người sẽ phải dấy lên một cảm giác sợ hãi bởi hình dáng của rồng quá kỳ dị. Thân rồng uốn mình thành hình tròn, miệng há rộng, có những chiếc răng nanh dài nhọn, cắm phập vào thân mình. Đầu rồng to, không râu, không bờm nhưng hai mang phình ra, hơi gục xuống như dáng dấp của một con mãng xà lớn đang trong cơn giận dữ, phẫn uất tột độ. Đôi mắt trợn tròn, lồi ra ngoài, hai tai vừa phải, nổi lên hai bên đầu nhưng tai bên phải thì kín đặc còn tai trái lại trống rỗng. Hai chân trước dang rộng với những móng vuốt nhọn hoắt, gân guốc, mỗi chân xòe rộng năm ngón bấu chặt lấy thân mình. Tất cả những biểu lộ trên mình rồng rất sống động, thể hiện một trạng thái đau đớn, căm phẫn cùng cực mà rồng đang trải qua.
Ông Lê Viết Nga, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh nhận định, bên cạnh giá trị cao về kỹ thuật tạc tượng thời xưa mà thông qua pho tượng người ta có thể nhận thấy những dụng ý của nhà điêu khắc, gửi gắm khéo léo qua từng đường nét chạm trổ. Bức tượng đầy ẩn ý, đầy tâm sự, đầy ai oán, khác hẳn với những tượng rồng thường thấy dưới thời nhà Lý, nhà Trần… Qua đó có thể thấy được những dụng ý mà người nghệ nhân muốn gửi gắm. Rõ ràng nó có liên quan đến những oan khiên, trái ngang mà Thái sư Lê Văn Thịnh đã phải chịu lúc đương thời.
Pho tượng kỳ dị được tìm thấy ngay trong khuôn viên đất nhà của Thái sư Lê Văn Thịnh – người được xem là vị Trạng nguyên đầu tiên của nền khoa bảng Việt Nam dưới thời Lý và cũng là vị Thái sư duy nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam bị mang án oan là “hóa hổ giết vua” tại Hồ Dâm Đàm (Hồ Tây) nên không ít người cho rằng nó có liên quan đến ông.
 Sự thiếu vắng các tư liệu về triều Lý là khó khăn và cũng là lý do hấp dẫn để các nhà sử học đưa ra những giả thiết rất khác nhau về triều đại này. Sự tồn tại của pho tượng “rồng cắn thân” nổi tiếng từ năm 1991 tới nay cũng đã dẫn tới hàng loạt giả thiết khác về thân thế của Thái sư Lê Văn Thịnh lúc cuối đời... Nhiều cuộc hội thảo đã được tổ chức để nghiên cứu và tìm hiểu về mối liên hệ giữa bức tượng với nhân vật lịch sử Lê Văn Thịnh nhưng vẫn chưa thể giải mã được những điều bí ẩn có tính lịch sử này.
 Cũng có không ít ý kiến cho rằng, pho tượng này mang nhiều đặc điểm và hình dáng của rắn chứ không phải rồng. Họ lý giải rằng hình tượng rồng trong lịch sử Việt Nam là hình tượng biểu trưng cho các bậc đế vương. Rồng thường mang cốt cách cao sang, thiêng liêng và thuần hậu chứ không mấy khi có rồng dữ tợn, đặc biệt là thần thái có thể khiến người đời nhìn vào đã phải phát sợ như pho tượng này.
 Chỉ có rắn mới biểu lộ được hết vẻ phẫn uất, dữ tợn đến cùng cực. Chính vì vậy nên nhiều người cho rằng tượng này chính là hiện thân của Thái sư Lê Văn Thịnh được một số người dân tôn kính ông tạc sau khi ông mất để thể hiện nỗi đau đớn xuyên thế kỷ khi ông bị vu oan “hóa hổ giết vua”. Cũng có người cho rằng đây là bức tượng hiện thân của vua Lý Nhân Tông căn cứ vào bên tai lành, tai điếc của cụ rồng mà cho đó là sự ân hận của vua vì đã nghe lời xiểm nịnh, hại trung thần, cũng là thầy của mình.
Theo báo cáo mới nhất của nhóm chuyên gia thuộc Ban Quản lý di tích tỉnh Bắc Ninh, đợt khai quật hồi tháng 4-2010 tại đền thờ Lê Văn Thịnh đã phát lộ hai mảnh thân rồng và một mảnh sấu đá. Ông Lê Viết Nga cũng cho rằng, rất có thể, với án oan “hoá hổ hại vua”, việc nhân dân lập đền thờ Lê Văn Thịnh vào thời Lý chỉ là thờ vọng một cách “bí mật”. Còn sang thời Trần, hầu như tất cả các danh nhân thời Lý đều ít có cơ hội được lập đền thờ. Trong lịch sử, Thái sư Lê Văn Thịnh được “gián tiếp” ghi nhận công trạng vào thời Hậu Lê, vì vậy nhận định ngôi đền thờ lớn nhất xuất hiện vào thời điểm này là hợp lý.
Một mảnh thân rồng mới được phát hiện
 Cũng từ quan điểm trên, ông Nga cho rằng pho tượng rồng “đầu cắn thân, chân xé mình” nổi tiếng tại đây rất có thể được thực hiện vào thời Hậu Lê, chứ không phải vào thời Trần như một số giả thuyết. Và theo ông Nga, những mảnh tượng rồng tìm được chưa chắc đã là thuộc về pho tượng được tìm thấy năm 1991.
 Ông Nga cho rằng, pho tượng tìm thấy năm 1991 đã mang tính hoàn chỉnh cao. Hai bên thân tượng có hai vết cắt nhưng rất cân xứng và ngọt, chứ không phải vết đứt gãy theo thời gian. Rất có thể, ngay khi tạo hình, những người thực hiện đã chủ ý “khuôn” pho tượng lại như vậy. Ông Nga cũng tiết lộ các chuyên gia đã thử mày mò tìm cách ghép hai mảng tượng rồng vừa tìm thấy vào pho tượng cũ, nhưng chưa xác định được vị trí nào có thể đặt các mảnh tượng cho hợp lý và ăn nhập. Cũng có khả năng đó là những mảnh rời của một pho tượng hoàn chỉnh, mà phần tượng đang thờ chỉ là phần đầu. Những mảnh còn lại vẫn nằm rải rác trong và bên cạnh đền. Nhưng tôi thiên về giả thiết đó là những mảnh của một tượng rồng khác. Không loại trừ khả năng khu đền thờ Lê Văn Thịnh thời Hậu Lê có một số pho tượng rồng, trong đó pho tượng “rồng cắn thân” là trung tâm.
Tượng Phật ngồi trên lưng vua
Đó là bức tượng một ông vua đời Hậu Lê phủ phục và trên lưng ông là Phật Thích Ca tại chùa Hòe Nhai, Hà Nội, đất tổ của phái Tào Động Việt Nam.
Theo lời kể của nhà sư Thích Tâm Hoan, pho tượng này là tác phẩm ra đời từ một cuộc pháp nạn của các tăng ni Phật giáo Việt Nam năm 1678. Khoảng thời gian hậu Trần đó, khi Phật giáo không còn được đứng ở vị trí quốc giáo nữa, thay vào đó là Nho giáo thịnh hành hơn bao giờ hết.
 Phật giáo Việt Nam đã trải qua một giai đoạn bị cho rằng không có lợi gì cho xã hội, các tăng ni phật tử sống trong chùa lười nhác và ăn bám xã hội. Đỉnh điểm là đến thời vua Lê Hy Tông đã có một sắc lệnh đuổi hết các sư sãi lên rừng, ai không đi sẽ bị trừng trị nặng nề. Đạo Phật khi đó đã phải trải qua một thời kỳ nhọc nhằn. Một trong số những hòa thượng đắc đạo pháp danh Tông Diễn, được biết đến với tên Tổ Cua, Tổ Cáy cũng bị buộc phải đi qua con đường hoặc sinh hoặc tử này.
Hòa thượng Tông Diễn là thế hệ thứ hai của phái Tào Động tại Việt Nam. Việc ông thả toàn bộ mớ cua mẹ mua được xuống ao khi nhìn thấy chúng khóc (sùi bọt) là lý do ông mang tên Tổ Cua, Tổ Cáy. Cũng sau sự kiện phóng sinh cua, ông đã lên chùa theo Phật. Không cam tâm thấy tăng chúng phải trải qua pháp nạn quá nặng nề đó, hòa thượng Tông Diễn đã tìm cách len lỏi trở lại kinh thành Thăng Long, tìm cách giáo hóa vị vua Lê Hy Tông đầy quyền uy và kì thị, vị vua mà sau này, nguyện phủ phục dưới Phật để sám hối những lỗi lầm đã phạm.
 Hòa thượng Tông Diễn đã dùng một “phương tiện” để có thể gặp được vua Hy Tông, ông nói dối rằng có một viên ngọc quý muốn dâng tặng. Tuy nhiên, vua Hy Tông kiêu ngạo chỉ cho người ra lấy ngọc. Hòa thượng Tông Diễn bèn cho một tấm biểu đã viết sẵn vào một chiếc hộp chuyển vào cho vua Hy Tông. Trong biểu chỉ có những điều đơn thuần dễ hiểu như: Hãy nhìn vào đời Trần, đời Lý, các vua hết sức coi trọng đạo Phật và rồi quốc gia thịnh trị, đạo Phật khiến người ta biết ăn uống đúng mực, không sân si, không giết người cướp của, nó như một viên ngọc quý của quốc gia, vậy tại sao cho đến giờ đạo Phật lại bị cho rằng không mang lại lợi ích gì cho xã hội...
Vua Hy Tông mở chiếc hộp và đọc chiếu mới bừng tỉnh, cho vời hòa thượng Tông Diễn vào trò chuyện. Sau khi nghe hòa thượng thuyết pháp, bèn rút lại sắc lệnh đã ban. Vua Hy Tông từ đây hết sức sửa mình, tự nguyện đề nghị với hòa thượng Tông Diễn rằng nên làm một bức tượng mà trong đó, vua phủ phục dưới Phật, để thể hiện sự sám hối và sửa mình một cách cẩn trọng của ông. Đây là bức tượng độc đáo nhất của văn hóa Phật giáo Việt Nam, không nơi nào trên thế giới có một mã văn hóa như thế.
  Ẩn ý trong tấm bản đồ bằng bạc tặng vua Bảo Đại
Trong hệ thống dinh thự tại Đà Lạt, Dinh 3 hiện lưu giữ được khá nguyên vẹn những vật dụng của gia đình Bảo Đại, trong đó phải kể đến một tấm bản đồ Việt Nam được làm bằng bạc với những đường nét vô cùng tinh xảo.
Tấm bản đồ này được dành tặng cho vua Bảo Đại, sau khi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược Việt Nam lần thứ hai, ông vua này được người Pháp mời về làm Quốc trưởng. Khi đó, nhận thấy vận mệnh đất nước đang lâm nguy dưới tay Quốc trưởng Bảo Đại, năm 1952, nhân dịp sinh nhật lần thứ 40 của Bảo Đại, những sinh viên có tấm lòng yêu nước của Việt Nam tại Pháp, đã cùng nhau đặt thợ làm một bản đồ bằng bạc gửi về Việt Nam tặng ông.
Bản đồ được “vẽ” rất công phu, tỉ mỉ, chất liệu hoàn toàn bằng bạc được đặt trong một khung gỗ chắc chắn. Những chỗ có địa hình núi cao như Trung du miền núi phía Bắc, mạn phía Tây nơi có đường biên giới giáp với Lào và Campuchia được dát bạc dày và cao hơn những khu vực đồng bằng. Riêng ở vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long là nơi chuyên canh tác cây lúa có biểu tượng người đang cấy, con trâu đi bừa. 
 Tấm bản đồ bạc trong Dinh 3 - Đà Lạt.
Những vùng trồng nhiều dừa như Bình Định, Phú Yên, Bến Tre được khảm bạc hình hai cây dừa song song. Cố đô Huế và Sài Gòn được thể hiện bằng những hình ảnh cụ thể trên bản đồ đó là những tòa nhà, cung đình - là những hình ảnh tiêu biểu của mỗi địa phương. Ngoài ra, trên biển còn được “vẽ” những chiếc thuyền của ngư dân đang đánh bắt cá và thuyền thương lái…
Để hàm ý nhắc nhở Quốc trưởng Bảo Đại không nên quá phụ thuộc vào người Pháp, bên ngoài tấm bản đồ này, những sinh viên Việt Nam tại Pháp còn khắc 4 chữ Độc Lập - Thống Nhất trên nền chữ có 3 sọc màu đỏ (màu cờ dưới thời Quốc trưởng Bảo Đại). Với những đường nét hết sức tỉ mỉ, cầu kỳ thể hiện mọi vùng miền trên đất nước, tấm bản đồ đã tạo thành một bức tranh sống động, rất ấn tượng.
Mặc dù mỗi năm Vua Bảo Đại chỉ đưa gia đình lên Đà Lạt vài lần để nghỉ ngơi, săn bắn, nhưng vốn là một người thích ngao du đây đó, nhất là chơi thể thao và săn bắn dài ngày trong rừng sâu, năm 1933 Bảo Đại đã bắt đầu cho xây dựng Dinh 3 trên đỉnh đồi Ái Ân. Đây là nơi có địa thế cao, đẹp bậc nhất Đà Lạt. Năm 1938, dinh thự này hoàn thành. Công trình này do một kiến trúc sư người Pháp và kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát thiết kế theo kiến trúc châu Âu, gồm 2 lầu. Trong đó, lầu trệt dùng làm nơi hội họp, yến tiệc, tiếp khách ngoại quốc và quan chức chính phủ “Hoàng triều cương thổ”. Lầu hai là nơi được dùng cho sinh hoạt gia đình, gồm các phòng ngủ của Vua Bảo Đại, của Hoàng hậu Nam Phương và hoàng tử Bảo Long, các công chúa Phương Mai, Phương Liên, Phương Dung, hoàng tử Bảo Thắng.


2 nhận xét:

Dùng mã code dưới đây để chèn nguồn từ bên ngoài vào comment:

Link : <a href="Link URL">CLICK HERE </a>
Hình ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
Youtube clip : [youtube]Link video từ yotube[/youtube]