(LĐ) - Sau khi Bộ Chính trị có kết luận về những sai phạm tại Tập đoàn Vinashin, có nhiều ý kiến cho rằng một trong các nguyên nhân của tình trạng này là do thiếu sự thanh tra, kiểm tra và cả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước (KTNN).
Báo Lao Động đã phỏng vấn ông Vương Đình Huệ - Tổng KTNN - về vấn đề này.Thưa ông, trong kết luận của Bộ Chính trị về vụ việc của Vinashin được đăng công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng có nói đến việc từ năm 2006 đến 2009, tập đoàn này đã qua 11 lần kiểm toán, kiểm tra, thanh tra nhưng vẫn không phát hiện đầy đủ, kết luận đúng tình hình yếu kém để có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Không lẽ KTNN với đội ngũ kiểm toán viên dày dặn đến vậy mà cũng không đưa ra được đánh giá đúng về Vinashin?
- Trên thế giới cũng như ở Việt Nam có 3 loại tổ chức kiểm toán: KTNN, kiểm toán độc lập và kiểm toán nội bộ. Chúng tôi được biết, từ năm 2006, Vinashin có thuê các Cty kiểm toán độc lập tiến hành kiểm toán. Việc quản lý nhà nước đối với các Cty kiểm toán độc lập kể cả các Cty kiểm toán quốc tế hoạt động tại VN cũng không thuộc trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước (theo quy định hiện hành thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính - PV). Do không nói rõ là loại kiểm toán gì nên có thể dư luận hiểu nhầm là KTNN. Như vậy từ năm 2006 đến nay, không có việc KTNN đã tiến hành kiểm toán Tập đoàn Vinashin mà không phát hiện và có cảnh báo đối với Tập đoàn Vinashin.
Vậy không lẽ KTNN không có kế hoạch để kiểm toán Vinashin?
- Từ năm 2006 đến nay (thời điểm Tập đoàn Vinashin được thành lập và đi vào hoạt động) đã 2 lần KTNN xây dựng kế hoạch kiểm toán với tập đoàn này. Cụ thể: Năm 2008, khi xây dựng kế hoạch kiểm toán năm 2009, đối với báo cáo tài chính của các tập đoàn, TCty nhà nước, KTNN đã đưa vào kế hoạch kiểm toán TCty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và 28 TCty, ngân hàng thương mại nhà nước. Sau khi rà soát và tiếp thu ý kiến của Quốc hội, KTNN đã xem xét việc kiểm toán Tập đoàn TKV, EVN và Vinashin. Đối với TKV và EVN do vừa thực hiện kiểm toán năm 2008 nên KTNN không đưa vào kế hoạch kiểm toán năm 2009 nữa. Riêng Vinashin, tuy chu kỳ hoạt động mới được 3 năm, nhưng KTNN vẫn chủ trương kiểm toán năm 2009 đối với báo cáo tài chính của tập đoàn.
Tuy nhiên, do Thanh tra Chính phủ đã đưa Vinashin vào kế hoạch thanh tra năm 2009 nên theo cơ chế phối hợp và để tránh trùng lặp, nên KTNN đã không đưa Tập đoàn Vinashin vào kế hoạch kiểm toán năm 2009. Trong năm 2009, khi dự thảo kế hoạch kiểm toán năm 2010, KTNN cũng đã ưu tiên số 1 việc kiểm toán Vinashin. Kế hoạch này đã được chúng tôi nêu rõ trong báo cáo số 1035/BC-KTNN, ngày 9.10.2010 của KTNN gửi UBTVQH. Như vậy, chúng tôi khẳng định rằng KTNN đã 2 lần dự kiến kiểm toán Vinashin, nhưng chưa thực hiện được.
Lý do gì mà KTNN không vào kiểm toán Vinashin, thưa ông?
- Việc KTNN 2 lần có kế hoạch đưa Vinashin vào kiểm toán, nhưng vẫn không vào được là có nguyên nhân của nó. Cụ thể vào năm 2008, KTNN đã có kế hoạch kiểm toán Vinashin thì cũng đã nhận được kế hoạch của Thanh tra Chính phủ thanh tra tập đoàn này nên KTNN không vào nữa như trên đã nói. Tiếp đến, năm 2009 KTNN tiếp tục có kế hoạch kiểm toán Vinashin thì lại nhận được văn bản số 2118/TTCP-VP của Thanh tra Chính phủ gửi KTNN ghi rõ: “Qua xem xét kế hoạch kiểm toán năm 2010 của KTNN, Thanh tra Chính phủ thấy có sự trùng lắp về một số lĩnh vực và đối tượng kiểm toán”. Trong danh mục kế hoạch công tác thanh tra năm 2010 có ghi: “Thanh tra việc chấp hành chính sách pháp luật tại Tập đoàn Vinashin – cuộc thanh tra này trong kế hoạch thanh tra năm 2009 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”. Cũng tại văn bản này, Thanh tra Chính phủ đề nghị: “Để tránh chồng chéo trong công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, Thanh tra Chính phủ trân trọng thông báo và đề nghị có sự phối hợp của KTNN”.
Trước đó ngày 28.9.2009, UBTCNS của QH cũng có công văn báo cáo tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội về kế hoạch kiểm toán năm 2010 của KTNN ghi rõ: “Đối với một số tập đoàn, TCty, Thanh tra Chính phủ đã có quyết định kế hoạch thanh tra, có thể xem xét đưa ra ngoài kế hoạch kiểm toán năm 2010 để tránh chồng chéo, gây phiền hà cho doanh nghiệp…”.
Căn cứ vào những ý kiến của Thanh tra Chính phủ và tiếp thu ý kiến của các ĐBQH nên KTNN đã rút Vinashin ra khỏi kế hoạch kiểm toán vì lẽ đó. Như vậy, nguyên nhân của việc KTNN đã 2 lần xây dựng kế hoạch kiểm toán Vinashin nhưng chưa thực hiện được là do cơ chế phối hợp và tránh chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán. KTNN đã thực hiện đúng trách nhiệm và đã làm đầy đủ trách nhiệm của mình.
Ông có đánh giá gì về những báo cáo của kiểm toán độc lập trong vụ Vinashin và liệu họ có phải chịu trách nhiệm gì không?
- Tôi chưa được đọc báo cáo kiểm toán của công ty kiểm toán độc lập đối với Vinashin nên không thể đưa ra đánh giá gì về kết quả kiểm toán độc lập trong vụ này. Chức năng kiểm toán của các công ty kiểm toán độc lập là đưa ra ý kiến đối với mức độ chính xác của các báo cáo tài chính. Còn các khuyết điểm, yếu kém nếu được phát hiện thì họ thông báo cho chủ doanh nghiệp bằng “thư quản lý”. Liên quan đến trách nhiệm của kiểm toán độc lập quốc tế đối với hệ thống tài chính ngân hàng gây nên khủng hoảng vừa rồi, tôi cho rằng cần xem xét lại các quy định, trách nhiệm của kiểm toán độc lập đối với việc phát hiện và báo cáo về các sai phạm, không an toàn về thực trạng tài chính của doanh nghiệp được kiểm toán vì các kiểm toán viên độc lập thực chất như là “công chứng” trong lĩnh vực tài chính, phải có trách nhiệm với các nhà đầu tư và xã hội nói chung. Đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng và phẩm chất đội ngũ kiểm toán viên và tăng cường kiểm soát chất lượng kiểm toán từ Bộ Tài chính cũng như Hiệp hội Kiểm toán viên độc lập.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
11 lần thanh - kiểm tra Vinashin mà không phát hiện sai phạm
Từ năm 2006 đến 2009, đã có ít nhất 11 cuộc thanh - kiểm tra tại Tập đoàn Vinashin. Cụ thể như sau:
- Năm 2006 có 2 cuộc: Bộ Tài chính kiểm tra việc quản lý, sử dụng trái phiếu quốc tế của Tập đoàn Vinashin; Kiểm toán quốc tế KPMG thực hiện kiểm toán đối với báo cáo tài chính của Vinashin.
- Năm 2007 có 2 cuộc: Bộ Xây dựng kiểm tra việc quản lý tài chính; Kiểm toán quốc tế KPMG thực hiện kiểm toán đối với báo cáo tài chính.
- Năm 2008 có 5 cuộc: Bộ Tài chính thanh tra việc quản lý tài chính; Bộ Kế hoạch - Đầu tư thanh tra việc thực hiện Quyết định 390/QĐ-TTg về việc điều hành kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản và chi tiêu ngân sách năm 2008 phục vụ mục tiêu kiềm chế lạm phát; Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện chính sách pháp luật trong đầu tư xây dựng, sử dụng vốn; Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra dự án xây dựng và mua sắm trang thiết bị phòng thí nghiệm trọng điểm, bể thử mô hình tàu thủy do Viện Khoa học công nghiệp tàu thủy Vinashin làm chủ dự án; Kiểm toán quốc tế KPMG thực hiện kiểm toán đối với báo cáo tài chính năm.
- Năm 2009 có 2 cuộc: Kiểm toán quốc tế KPMG thực hiện kiểm toán đối với báo cáo tài chính năm; Bộ Tài chính kiểm tra việc quản lý sử dụng trái phiếu quốc tế.
Dư luận đang đặt câu hỏi, tại sao 11 cuộc thanh - kiểm tra các loại trong suốt 4 năm, nhưng không hề phát hiện ra sai phạm của Vinashin?
S.Đà
Chí Tùng (thực hiện)
Như vậy, rõ ràng Vinashin đâu có sai phạm!
Trả lờiXóaThế thì, ai sai phạm?