“ 2. Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức tuyên truyền bằng miệng, bằng bản viết, in, hoặc dưới hình thức nghệ thuật, thông qua bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào tuỳ theo sự lựa chọn của họ.
3. Việc thực hiện những quyền quy định tại khoản 2 điều này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó, việc này có thể phải chịu một số hạn chế nhất định, tuy nhiên, những hạn chế này phải được quy định trong pháp luật và là cần thiết để:
a) Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác,
b) Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức của xã hội."
(Điều 19. Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, LHQ biểu quyết năm 1966, VN ký và tham gia ngày 24/9/1982).
Biết được sự thiệt tuy khó, nhưng còn khả dĩ; nói rõ được sự thiệt hầu như bất khả !"... ĐÃ XA RỒI CÁI THỜI MÀ AI NÓI RA ĐIỀU GÌ CŨNG SỢ BỊ PHÊ PHÁN MẤT LẬP TRƯỜNG, CẢ XÃ HỘI BỊ ÉP SỐNG TRONG CÁI VỎ ĐẠO ĐỨC GIẢ, TỪ TRÊN XUỐNG DƯỚI, NÓI THÌ RẤT HAY, NHƯNG LÀM THÌ NGƯỢC LẠI..." (GS Hoàng Tụy)
Suy gẫm hôm nay: "VẪN BIẾT SỐNG LÀ HƯỚNG ĐẾN TƯƠNG LAI, NHƯNG QUÁ KHỨ LÀ TẤM GƯƠNG NÊN SOI LẠI!"

Thứ Ba, 26 tháng 3, 2013

Ngoại cảm tìm mộ và thân trung ấm

(Xin giới thiệu toàn văn bài viết của Bác sỹ Phạm Doãn Luyện đăng trên blog bsphamdoan)

     Từ lâu trước đây tôi không quan tâm gì lắm, về thế giới của những người đã chết, dù rằng tôi không phải là người Marxist. Tôi nghĩ, cứ chết rồi sau 49 ngày là đi đầu thai. Từ khi có chuyện của cô Phan Thi Bích Hằng , rồi có những Đàn giải oan (ở đây, đây, và đây) qui mô của thày Nhất Hạnh, tôi thấy mình dần dần thay đổi quan niêm về thế giới của người chết. Vậy là số người chết còn bị kẹt lại cõi trung ấm nhiều hơn mình tưởng. Phật giáo Tây tạng gọi cõi trung ấm là cõi của linh hồn sau khi chết.

     Chiến tranh Việt nam, làm chết rất nhiều người ở tuổi thanh niên. Đối với những người tuổi trẻ, khi khát vọng sống còn rất mạnh mẽ, khi sự luyến tiếc cột buộc với thế giới còn rất cao, thì khi chết khó có sự siêu thoát được. Nghề của tôi phải gắn bó nhiều với cái chết, nên tôi cũng có nhiều kinh nghiêm về sự chết, về chuyện ma. Hồi mới ra trường, về làm tại một phòng cấp cứu Nhi, tôi đã có cảm giác kinh hoàng trong đêm đầu tiên, khi nằm ngủ một mình trong phòng trực. Cứ nhắm mắt lại thì thấy có cả bầy con nít kéo đến. Đêm đầu tiên đó, tôi không dám ngủ, thức trắng. Trở ra ngồi tại bàn làm việc, thì mấy cô Y tá ngạc nhiên: Không có bệnh nhân nặng, bệnh ổn hết rồi, sao thày không đi ngủ? Tôi chỉ ngồi im, chẳng lẽ lại nói thày đang sợ ma! Ở thời điểm đó, trong cái tự hào của trí thức khoa học tôi xếp tất cả những hiện tượng ma quỉ vào phạm trù obsession (ám ảnh). Lúc đó, dù là tin có linh hồn, nhưng tôi không nghĩ linh hồn người chết lại bám víu quá nhiều vào thế giới trung ấm (thế giới sau chết, trước khi đầu thai). Bây giờ, với khả năng của chị Bích Hằng, cùng với rất nhiều người có năng lực tương tự, tôi tin rằng, phải chú ý nhiều hơn đến thế giới này.

     Theo Bardo thodol (Cứu độ thân trung ấm) của Tây Tạng, thì trung bình sau khi chết 7 x 7 tuần = 49 ngày, linh hồn người chết sẽ tìm được chỗ tái sinh. Ai chưa đọc thì nên đọc, để lo hậu sự cho cha mẹ, cho thân nhân của mình và nhất là cho chính bản thân mình! (nói nghe hơi ghê ghê). Ngay khi lìa đời, cái thời điểm cực kì quan trọng, thì con người mới thực sự hiểu biết bản chất thực sự của mình là gì. Người tu hành nhiều năm không khai ngộ, hay người không hề biết gì về tâm linh, ngay lúc ấy hốt nhiên đại ngộ trước ánh sáng chói lòa của tự tánh (the clear light of true nature)! Một người bình thường không có sự chuẩn bị từ trước, sẽ hoang mang và sẽ đánh mất cơ hội khai ngộ này. Bardo thodol dạy tất cả những kinh nghiệm về cái chết. Bạn sẽ đối phó ra sao trước năm màu của ánh sáng, bạn sẽ đối phó ra sao trước những hình ảnh, thật đẹp đẽ hay thật kinh hoàng, phát xuất từ chính bản tâm của bạn. Tóm lại, sống phải có tài năng, mà chết cũng cần rất nhiều tài năng.

     Cha tôi mới chết, vừa cúng 49 ngày. Ông cụ đã 85 tuổi rồi. Tôi chưa thấy ai hăng hái chết như ông ấy cả. Lãng tai, không còn nghe điện thoại được. Mắt mổ cườm từ cái thời chưa có implant nên nhìn hình ảnh méo mó mờ nhạt. Tai biến mạch máu não xảy ra vài lần, chân trái teo cơ. Cụ không còn tha thiết sống một cuộc sống không chất lượng nữa. Cụ nhất quyết ra đi. Khi thấy mình không còn sức lực nữa, cụ gọi tất cả con cái lại dăn dò, rồi nằm vật xuống giường. Chắc để chờ ánh sáng của cõi trung ấm! Chung quanh là tiếng rấm rức của mấy chục con cháu. Bẳng đi mấy tiếng đông hồ sau, cụ ngồi bật dậy: Sao tao vẫn không chết? lạ thật! Thực ra, mãi đến sáng hôm sau đó cụ mới chết. Một cái chết đáng được cho con cháu học hỏi, noi gương. Gia đình tôi con cháu theo đủ các loại tôn giáo. Đám ma, cứ như ông cụ nói, muốn làm sao thì làm. Thật vậy đám ma ông cụ, có cả thày chùa tụng kinh, Cha, Sơ, ca đoàn nhà thờ hát thánh ca. Tôi tin là cụ siêu thoát nhanh, vì cái tâm không luyến tiếc trần gian. Người già, chết khi đã hoàn tất số mạng, có lẽ dễ siêu thoát để tới chỗ tái sanh, còn những người trẻ, tha thiết yêu đời, công việc chưa hoàn tất, chắc chắn là bám víu rất nhiều trong cõi trung ấm. Phim The Ghost nói lên rất nhiều về khía cạnh này, về sự thương nhớ người thân còn lại ở thế gian. Chính tâm thương tưởng, làm linh hồn quay lai thế gian, trở thành hồn ma bóng quế. Nguyễn Du có viết trong truyên Kiều: Chết là thể phách, còn là tinh anh Hoặc về lời dăn dò của Thúy kiều: …Thấy hiu hiu gió là hay chị về. Đinh Hùng cũng có một câu rất ấn tượng: Rồi ngày mai đó em đi dạo Sẽ thấy hồn tôi trên cỏ xanh Nhiều khi nằm ngủ, thấy có người cầm nắm thân thễ mình, tôi cứ nghĩ rằng đó chỉ là sự tổng hợp của ảo giác từ những ám ảnh nào đó, bây giờ tôi tin đó là do những linh hồn chưa siêu thoát.

     Dĩ nhiên khi nào cũng có sự tương ưng giữa ma và người thấy ma. Như Bích Hằng và nhiều vị thày nói, thường thì họ (người chết) cũng chỉ đùa giỡn thôi. Cũng có khi ma chỉ là một tập hợp cảm giác làm người sống sợ hãi. Một lần tại nông trường Lê Minh Xuân, khi còn là sinh viên đi công tác. Đêm về ngủ lại nhà dân, tôi thấy ma. Ma không có hình người, mà chỉ là những tiếng nổ lớn (mà tôi tự nghe trong tâm thức), rồi những tiếng kêu gào, và một cảm giác lạnh toát tràn ngập cơ thể, cứ như là chính tôi đang chết. Tôi cho đó chính là tâm thức của những người chết trong quá khứ của chiến tranh. Người bị nạn nghe âm thanh của bom đạn, họ kêu gào đau đớn, và nhận thấy cơ thể lạnh toát trước khi cái chết thực sự đến. Tâm thức kinh hoàng đó, bây giờ còn lưu xạ lại , tại không gian này. Đêm đó tôi ngồi dậy, thiền định, nhưng không thể ngồi lâu được vì toàn thể cơ thể run rẩy như trong máu tràn ngập adrenaline. Trong khi chưa thể trấn áp được nỗi sợ hãi vô cớ này thì trong buồng của chủ nhà mấy cháu nhỏ cũng đồng loạt khóc lớn. Chủ nhà thức dậy nói với tôi rằng, mấy cháu nhỏ nói nó bị ma nhát!

     Chiến tranh đã qua đi, nhưng oán hờn còn mãi. Miền Bắc, miền Nam, dọc theo trường Sơn, dọc theo bờ biển, tôi tin đâu đâu cũng rất nhiều những vong hồn. Suốt chiều dài chiến tranh mai mươi mốt năm, ngày nào, giờ phút nào, chỗ nào cũng có người chết. Nhưng cao điểm cho tất cả 3 miền Bắc Trung Nam là những thời điểm như Tết Mậu Thân, Hè 72, Xuân 75 và giai đoạn vượt biên 75-90. Chắc cũng có lí do nào đó, mà thày Nhất Hạnh lại chọn Bãi Dâu, Huế là một trong những điểm lập đàn, hay đề nghị lâp bia tưởng niệm tại bờ biển Vũng Tàu. Cứ Tết đến, là tất cả gia đình ở Huế lại có đám giỗ, điều đó nói lên điều gì? Mấy năm trước, tôi có về An Lộc. Lòng run run nhìn những ngôi nhà còn nát dấu đạn bom. Không hiểu vì lí do gì, người ta không chịu xóa đi dấu tích ghê rợn này. Hay là có những oan hồn nào đó, cố tình cản trở chủ nhân, để thế hệ về sau còn được biết An Lộc- Bình Long là một địa danh lịch sử. Mùa Xuân 75, trên đường tiến binh thần tốc, đã có những điều bí mật, mà những người trong cuộc mới biết. Người thân tôi chạy từ Cao nguyên về, cùng ngủ đêm bên bờ sông chung với rất nhiều người dân di tản khác. Nửa đêm, T54 bất ngờ vượt sông, không mở đèn, chạy hết tốc lực cán ngang qua những thân người vô tôi còn đang ngái ngủ. Trong “Nỗi buồn chiến tranh”, Bảo Ninh đã mô tả đúng cái cảm giác của người lính xe tăng, khi biết rõ dưới bánh xích của mình là lùng nhùng những xác thân người.

     Ở phút giây cuối cùng trước khi chết, nếu có sự uất hận, nó sẽ biến thành oán khí. Hàng trăm cái oán khí bị chôn vùi tập thể sẽ cộng hưỡng thành những vùng tâm linh vô cùng đen tối. Ở miền Nam, có rất nhiều tài liệu về những hố chôn như thế (trên báo chí và Internet), ít thì vài chục người, nhiều thì đến vài trăm người. Vài trăm linh hồn, tức tửi và thù hận, họp lại một chỗ thì oán khí nó sẽ mạnh mẽ đến thế nào. Chắc chắn nó sẽ truyền đến những người còn sống như chúng ta đây (nói như kiểu Vô thức tập hợp của Carl Jung), dù rằng chúng ta hoàn toàn không hay biết. Mong rằng với tình yêu thương của những người còn sống, với đức hạnh của chư tăng, đàn giải oan trên những vùng đất VN ngất trời oán khí, sẽ làm được điều gì đó, mang lại giải thoát cho những người chết oan khuất trong quá khứ.

     Chuyện của cô Bích Hằng thì có nhiều Web và Blog viết rồi, tôi không viết lại nữa. Tôi chỉ muốn nhìn sự kiện này dưới một góc độ khác. Sự khổ đau và cô đơn của con người, không những ở tại thế giới hiện tiền này, mà có thể nó còn kéo dài sau khi chết. Đám ma nào, người ta cũng cầu chúc linh hồn người chết sớm siêu sanh nơi miền tịnh độ, nhưng với những gì ta vừa được biết, điều đó (sự siêu thoát) có dễ dàng không? Tôi nghĩ là không. Công việc của cô Hằng và những người tìm mộ, là công việc nhân bản, không ai có thể phủ nhận. Ngoài ra, công việc này cũng là câu trả lời có giá trị, đối với sự tranh luận dai dẳng về duy tâm hay duy vật. Một mình cô Hằng thôi, cũng đủ sức mạnh thuyết phục như một trăm binh đoàn. Lại nữa, tại sao cô Hằng và những nhà ngoại cảm lại cùng xuất hiên một cách tập trung ở thời điểm này. Nó có giống như những hiện tượng ngoại cảm xuất hiện rất nhiều ở Liên xô trước ngày đổi mới không? Ai mà biết được.

P/S: Một người bạn của tôi (chủ blog) có giới thiệu: Mỗi ngày trên cả đất nước này có bao nhiêu sinh linh đã tượng hình bị chính cha mẹ mình giết đi không thương tiếc? Một đất nước mà, ở đó, cha mẹ không thương xót chính đứa con mình tạo ra thì đất nước ấy không còn loài người nữa. Vì ngay cả như súc vật mà còn biết thương con, mà người Việt trẻ ngày nay được giáo dục để trở thành loài động vật tệ hơn cả súc vật. Về tâm linh, chỉ cần những oan hồn này báo oán cũng đủ để đưa cả dân tộc xuống bùn là phải lắm. Hãy đọc bài Vén bức màn bí ẩn về phòng phá thai khủng khiếp nhất Hà Nội sẽ thấy.
        Coi thêm: Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng tham gia Cầu Siêu – Truy Niệm Chư Anh Linh Anh Hùng Liệt Sĩ tại Tây Sơn - Bình Định (đây)

1 nhận xét:

  1. Ngoài những nguyên nhân chủ quan thì có lẽ đây là 1 lý do khách quan làm Việt Nam chưa thể phát triển được. Làm sao có thể có sự giàu sang, hạnh phúc khi trong lòng đất nước có quà nhiều oán khí như vậy.

    Trời ơi, VN cần bao nhiêu vị đại sư để có thể giải hết những oan khí này. Gần đây, ở VN có 1 con số thống kê nghe mà lạnh cả người : Vn đứng thứ 3 trên thế giới về tỉ lệ phá thai. Một đứa trẻ sinh ra theo duyên nghiệp có 2 trường hợp : báo ân và báo oán. Bây giờ ân không báo được có thể sẽ chuyển quá oán. Oán không trả được thì oán chồng oán.

    Trả lờiXóa

Dùng mã code dưới đây để chèn nguồn từ bên ngoài vào comment:

Link : <a href="Link URL">CLICK HERE </a>
Hình ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
Youtube clip : [youtube]Link video từ yotube[/youtube]